29/04/2021 - 09:07

Ngoại trưởng Iran trong tâm bão 

Hôm 27-4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã ra lệnh tiến hành điều tra vụ rò rỉ đoạn ghi âm các bình luận của Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif vốn đang gây sóng gió trên chính trường nước này.

Ngoại trưởng Iran Zarif (phải) và ông Kerry trong một cuộc gặp trước đây. Ảnh: Boston Globe

Ông Zarif đã nói gì?

Hai ngày trước đó, giới truyền thông và chính trị gia Iran tranh cãi kịch liệt về những phát biểu chấn động của Ngoại trưởng Zarif trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 3. Một trong những vấn đề khiến ông Zarif bị phe bảo thủ chỉ trích là phàn nàn về tầm ảnh hưởng quá lớn của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) trong lĩnh vực ngoại giao và chương trình hạt nhân. Theo vị ngoại trưởng, ông thường bị che giấu vấn đề an ninh và nỗ lực ngoại giao của Tehran phải nhường bước cho mục tiêu quân sự do IRGC dẫn dắt.

Ðặc biệt, ông tự nhận bản thân không có tiếng nói trong sách lược đối ngoại so với Thiếu tướng Qassem Soleimani - người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc IRGC và đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ hồi năm 2020. Không chỉ từ chối lắng nghe yêu cầu của Bộ Ngoại giao, vị tướng đầy quyền lực còn yêu cầu cơ quan này phải làm điều này hoặc nhượng bộ chỗ kia, thậm chí chỉ đạo trong mỗi cuộc đàm phán.

Về quan hệ với Nga, Ngoại trưởng Iran nhận định chính sách Ðiện Kremlin triển khai trong cuộc chiến ở Syria đã làm tổn hại lợi ích của Cộng hòa Hồi giáo. Ông còn cáo buộc Mát-xcơ-va dồn sức “phá hoại” thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc. Nguyên nhân vì triển vọng bình thường hóa quan hệ giữa Iran với phương Tây sẽ không mang lại lợi ích cho xứ bạch dương. “Nếu Iran không là mục tiên của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, thì Trung Quốc và Nga sẽ trở thành ưu tiên của ông ấy” - Hãng tin AP trích một phần trong đoạn ghi âm. Việc tướng Soleimani công du Nga cũng vì muốn “phá hủy” thành quả đàm phán của Bộ Ngoại giao, ông Zarif nói thêm.

Hiệu ứng trên chính trường

Theo các quan chức Bộ Ngoại giao, đoạn ghi âm là một dạng hồ sơ mật được lưu trữ tại văn phòng tổng thống. Phát ngôn viên Saeed Khatibzadeh còn nhắc lại nhiều lần rằng bình luận được trích dẫn đã bị đưa ra ngoài ngữ cảnh, hoàn toàn không phản ánh lập trường chính thức của Ngoại trưởng Zarif. Người phát ngôn chính phủ Ali Rabiee thì cho biết cơ quan tình báo đã được yêu cầu xác định những kẻ đứng sau vụ rò rỉ mà theo ông là “âm mưu chống lại an ninh quốc gia”.

Dù vậy, hành động của chính phủ vẫn không ngăn được phe bảo thủ muốn sa thải và luận tội ông Zarif. Bị cáo buộc là “phản quốc” và “khuất phục” phương Tây, Ngoại trưởng Iran từng nhiều lần bị phản đối vì “mối quan hệ thân tình” với Mỹ khi đến đây du học từ năm 17 tuổi và tốt nghiệp đại học, lấy hai bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ đều ở đây. Vào những năm 1990, ông còn làm trung gian thương lượng để thả các con tin Mỹ bị nhóm Hezbollah thân Iran ở Lebanon bắt giữ.

Theo giới phân tích, đoạn ghi âm bị rò rỉ cho thấy căng thẳng giữa những người theo trường phái ôn hòa như ông Zarif trong chính phủ của Tổng thống Rouhani với lực lượng bảo thủ. Những mâu thuẫn này có thể làm suy yếu nỗ lực mà phương Tây và Iran đang thực hiện nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân. Mặt khác, thông tin về vụ rò rỉ xuất hiện vào thời điểm nhạy cảm khi Iran đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống ấn định vào ngày 18-6. Dù ông Zarif khẳng định không có ý tham gia, nhưng nếu ông ấy thay đổi kế hoạch, nhiều người cho rằng việc tách mình khỏi phe cứng rắn có thể củng cố hình ảnh của ông Zarif và giúp chính trị gia này giành phiếu bầu từ những người Iran đang thất vọng vì nền kinh tế đình trệ và bị hạn chế về chính trị lẫn xã hội.

MAI QUYÊN (Theo Al Monitor, CNN)

Chia sẻ bài viết