17/06/2012 - 21:20

Nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)

* NGÔ HỒNG PHONG
Khoa Dân vận, Trường Chính trị TP Cần Thơ

Chủ tịch Hồ Chí Minh- Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, trước khi đi xa đã căn dặn “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình được xem là nguyên tắc, quy luật phát triển Đảng, là biện pháp tốt nhất để củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Người cho rằng mỗi cán bộ, đảng viên trước hết tự mình phải thấy rõ mình, để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, cũng như phải tự soi gương, rửa mặt hằng ngày. Hơn nữa, nếu biết tự phê bình tốt thì mới phê bình người khác tốt được. Người luôn nhắc nhở, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải “Luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình những lời mình đã nói, những việc mình đã làm để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình”. Người coi tự phê bình và phê bình là công cụ đắc lực để rèn luyện cán bộ, đảng viên nhằm làm cho mỗi người tốt hơn, tiến bộ hơn và tăng cường đoàn kết nội bộ hơn. Người thẳng thắn chỉ rõ “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Tiếp nối những tư tưởng của Hồ Chí Minh, đặc biệt trong điều kiện xây dựng Đảng hiện nay, Hội nghị lần thứ 4 khóa XI của Đảng đã nhấn mạnh một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, trong đó đề cập đến phê bình và tự phê bình. Để khắc phục những hạn chế, tiếp tục đấu tranh tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, cần tập trung làm tốt những điểm chính sau:

- Cần nhận rõ tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc, là quy luật của quá trình tồn tại, phát triển của Đảng. Mỗi thời kỳ cách mạng, Đảng có những yêu cầu mới về nhận thức, hành động. Vì thế tự phê bình và phê bình là giúp ta tự thoát ra khỏi những gì bất cập, lạc hậu để vươn tới đáp ứng những yêu cầu mới. Nếu ai đó không nhận rõ quy luật này, ắt sẽ bị đào thải như Bác Hồ đã chỉ rõ. Đây là sự thống nhất biện chứng của quy luật tồn tại, phát triển của mỗi đảng viên với toàn Đảng.

Thực hiện lời Bác Hồ dạy, coi tự phê bình và phê bình là công việc thường xuyên, hàng ngày của mỗi người. Không nên coi phê bình, tự phê bình là “có vấn đề”, là ghê gớm, nặng nề, căng thẳng. Do vậy phải có động cơ đúng trong tự phê bình và phê bình. Người được phê bình và người đi phê bình đều vì sự tiến bộ, sự trong sạch của bản thân, của đồng chí và của toàn Đảng.

- Cần kết hợp hài hòa giữa tự phê bình và phê bình. Đây là hai phạm trù khác nhau, nhưng không tách rời nhau; là hai mặt của một vấn đề. Chỉ có tự phê bình tốt, có mục đích động cơ, thái độ tốt thì khi phê bình người khác mới chân thực, chính xác, khách quan, trong sáng, lành mạnh. Ngược lại người có ý đồ xấu, không dám tự phê bình thì việc phê bình người khác sẽ không thể đúng đắn. Cho nên tự phê bình và phê bình là hai tác động đồng thời, đồng thuận, không đối lập nhau. Nội dung phê bình phải sâu sắc, chính xác, có căn cứ và người được phê bình phải thoát khỏi tự ái của cái tôi nhỏ bé, tầm thường mà nghiêm túc thấy rõ trách nhiệm cá nhân với Đảng, với dân, với nước.

- Cần đổi mới phương pháp phê bình, tham gia góp ý. Kết quả của việc phê bình, tự phê bình là sự tiếp thu, chuyển biến tốt, khắc phục hạn chế, phát huy vai trò cá nhân trong cương vị của mình. Người đi phê bình và người được phê bình phải tin nhau, quý nhau, vì sự tiến bộ của nhau. Khi nhận xét, góp ý phê bình phải cân nhắc kỹ điều kiện, hoàn cảnh của sự việc cần phải phê bình. Không chủ quan, cố chấp, thiếu khách quan thiếu trách nhiệm, mà phải thật sự có lý, có tình.

- Nghiêm túc kiểm tra, xem xét kỹ những nội dung được phê bình, sẵn sàng tiếp thu ý kiến đúng, kiên quyết sửa chữa, khắc phục trong thời hạn nhất định. Người được góp ý phê bình không chủ quan, bảo thủ, không tự ái cá nhân, cho mình là lãnh đạo, là cấp này, chức nọ mà bị phê bình, mà sinh tự ái, quanh co, từ chối hoặc lặng im bỏ ngoài tai tất cả, coi thường tập thể, coi thường tổ chức.

Các cấp lãnh đạo, các cơ quan chức năng qua theo dõi, kiểm tra, giám sát phải có những gợi ý cụ thể với từng người cụ thể cần tự phê bình, làm rõ những vấn đề gì, vì sao, hướng khắc phục như thế nào. Đồng thời có những quy định cụ thể, gắn với yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của người được phê bình và định thời gian khắc phục. Nếu họ không tiếp thu, không khắc phục cần phải có hình thức, biện pháp xử lý nghiêm minh.

Phát huy vai trò của quần chúng nhân dân tham gia kiểm tra, kiểm soát, phê bình góp ý cho cán bộ, đảng viên. Đây là một “kênh” rất quan trọng vì nhân dân là lực lượng đông đảo, rộng khắp, họ thấy rõ, thấy đầy đủ những thiếu sót cần phải phê bình góp ý cụ thể cho ai, góp cái gì, góp thế nào...

Toàn Đảng, toàn dân coi việc tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên thật sự là vấn đề cấp bách của xây dựng Đảng hiện nay. Mặc dù việc làm này rất khó, phức tạp, nó đụng đến danh dự, lợi ích của cá nhân con người. Nhưng làm như thế là để bảo vệ danh dự, lợi ích của Đảng, của nhân dân; không để vì danh dự lợi ích của cá nhân ai đó làm mất đi lợi ích của nhân dân, làm hoen ố danh dự của Đảng. Vì thế đây là cuộc đấu tranh, là sinh hoạt tư tưởng tất yếu của Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng hiện nay.

Chia sẻ bài viết