21/11/2022 - 13:26

Nghĩa tình miền Tây 

Bài, ảnh: Huỳnh Kim

Sách “Nghĩa tình miền Tây” (nhiều tác giả) vừa được Báo Thanh Niên và NXB Hồng Đức ấn hành. Sách dày 480 trang, giá 175.000 đồng. Đây là kết quả sau 4 tháng mở cuộc thi viết, đồng thời cũng là chuyên mục “Nghĩa tình miền Tây” trên Báo Thanh Niên.

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp (trái), trao giải nhất cho tác giả Lê Hồng Xương (TP Hồ Chí Minh).

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp (trái), trao giải nhất cho tác giả Lê Hồng Xương (TP Hồ Chí Minh).

Tại lễ trao giải cuộc thi viết và ra mắt sách “Nghĩa tình miền Tây” hôm 18-11-2022 ở Đồng Tháp, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, cho biết, trong 4 tháng ấy, chuyên mục này trên Báo Thanh Niên được xem như “cuốn nhật ký đẫm màu hoài niệm, đầy cung bậc cảm xúc của các tác giả trên mọi miền đất nước và cả người Việt đang học tập, sinh sống ở nước ngoài, về tình đất và người miền Tây”. 

Ngoài các tản văn, tùy bút, ghi chép, sách còn có các bài chính luận, gồm nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các tỉnh miền Tây để hưởng ứng Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Là giám khảo của hạng mục tản văn, tùy bút, ghi chép, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận xét: “Một chủ đề tưởng dễ, lại khó. Bởi thứ tình cảm không thể nói khơi khơi tôi yêu lắm tôi thương lắm, mà phải đặc tả vào con người, vào chi tiết, vào hành động. Dễ lẩy ra được những thứ mang tính biểu tượng của một vùng đất vốn nức tiếng thơm thảo rộng lòng, nhưng khó tìm góc nhìn lạ, thấu đáo. Vụng về một chút sẽ đi vào lối mòn khi viết hoặc nói về miền Tây, về những con người khoáng đạt cho đi mà không tiếc gì, về những vùng đất trù phú, cưu mang hết thảy phận đời, không phân biệt. Nhiều chi tiết trong tập sách này bạn đọc sẽ có cảm giác chúng đang lặp lại, cả những kỷ niệm riêng tư của từng người đối với miền Tây lại hao hao nhau, những cho - nhận lúc lận đận, ngặt nghèo... Nhưng biết làm sao được, bởi cá tính miền Tây xưa nay không giấu gì cho riêng mình, vui buồn, yêu ghét hay tốt xấu đều phơi bày ra hết, viết hay nói về đất chỉ có mỗi cách viền đi viền lại, tô đậm thêm hai chữ nghĩa tình”.

Còn với nhà báo Trần Hoàng Tuyên, Phó Giám đốc Trung tâm BSA - Trưởng đại diện Tạp chí Thế giới hội nhập tại ĐBSCL, giám khảo của cả hai hạng mục cuộc thi, thì hơn 200 tác phẩm dự thi với 90 tác phẩm in sách, là “những bài viết máu thịt với đồng bằng”. Anh viết trong “Lời nói đầu” tập sách: “”Nghĩa tình miền Tây” là cơ hội để gợi lại, nhắc nhau, đánh thức và cùng hành động vì một tương lai bình yên, sự phát triển bền vững. Bằng những kiến thức, mối quan tâm và cách kiến giải, chúng ta có được những bài viết máu thịt với đồng bằng. Trước hết, là sự đồng cảm về một vùng đất chịu nhiều rủi ro nhất do biến đổi khí hậu và sức ép từ thượng nguồn. Thứ đến là tìm một lời giải tâm huyết gắn mình với những số phận yếu thế hơn. Sau cùng, “Nghĩa tình miền Tây” là cách nói thay lời cho những tấm lòng bao dung - làm giỏi hơn nói”.

Kết quả cuộc thi viết “Nghĩa tình miền Tây”

Bìa sách “Nghĩa tình miền Tây”.

Bìa sách “Nghĩa tình miền Tây”.

Ở hạng mục tản văn, tùy bút, ghi chép, Ban tổ chức trao 1 giải Nhất cho “Đình ông Nguyễn…” của tác giả Nguyễn Chí Ngoan (Kiên Giang). Hạng mục còn có 1 giải Nhì, 2 giải Ba, 6 giải Khuyến khích. 

Ở hạng mục chính luận - tác phẩm đề xuất, kiến nghị, hiến kế xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các tỉnh miền Tây; đoạt giải Nhất là bài “Định vị thành phố đảo động lực trên hành lang phát triển Tây Nam bộ”, tác giả Lê Hồng Xương (TP Hồ Chí Minh). Bên cạnh đó là 1 giải Nhì, 2 giải Ba, 5 giải Khuyến khích.

Ngoài ra, còn có giải phụ: Bài viết được yêu thích nhất (căn cứ lượt xem và like trên thanhnien.vn) thuộc về “Cần Thơ không cô đơn”, tác giả Phan Hoàng Vinh (Cần Thơ); Bài viết hay nhất về quê hương Đồng Tháp Mười là “Thả dớn đón cá linh non”, tác giả Lê Nữ Kim Cương (TP Hồ Chí Minh).

 

Chia sẻ bài viết