17/07/2018 - 07:07

Ngày càng nhiều “bóng hồng” trên chính trường thế giới 

Trước số lượng phụ nữ cao kỷ lục đang tranh cử trên khắp thế giới, BBC nhận xét rằng họ đang làm thay đổi bộ mặt chính trị toàn cầu và mang lại bình đẳng giới trong các cơ quan lập pháp.

Dàn nội các mới có 11 thành viên nữ của Tây Ban Nha. Ảnh: Google Images
Dàn nội các mới có 11 thành viên nữ của Tây Ban Nha. Ảnh: Google Images

Tuy đa số quốc gia trên thế giới vẫn chưa từng có một nhà lãnh đạo nữ, song hãng tin Anh cho biết đang có 11 phụ nữ nắm quyền lãnh đạo đất nước. Danh sách này bao gồm cả những gương mặt kỳ cựu như Thủ tướng Đức Angela Merkel, cũng như những gương mặt mới như Thủ tướng Romania Viorica Dancila và Thủ tướng Barbados Mia Mottley. Được biết, trong khi bà Merkel làm thủ tướng từ năm 2005, thì hai bà Dancila và Mottley mới giữ vị trí này từ đầu năm 2018.

Trong khi đó, số liệu thu thập từ năm 1997 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) cho thấy đa số quốc gia trên thế giới đều có số lượng nữ nghị sĩ tăng lên. Trong đó, 5 nước có tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội cao nhất lần lượt là Rwanda, Cuba, Bolivia, Mexico và Grenada. Đáng chú ý là việc số lượng nữ nghị sĩ của 3 nước Rwanda, Cuba và Bolivia vượt 50%. Trái lại, những nước có ít nữ nghị sĩ nhất là Yemen, Oman, Haiti, Kuwait, Lebanon và Thái Lan – không quá 5%. Một số quốc đảo nhỏ còn không có nổi một phụ nữ trong quốc hội như Vanuatu, Micronesia và Papua New Guinea.

Tuy vậy, IPU nhận xét năm 2017 là năm chứng kiến số lượng kỷ lục phụ nữ tham gia tranh cử trên khắp thế giới dù chưa đạt được thành tựu to lớn. Trong đó, châu Âu là nơi bổ sung số lượng nữ nghị sĩ nhiều nhất, chiếm hơn 30% tại cơ quan lập pháp của 17 quốc gia. Như hồi tháng 6-2017, Pháp đã chọn một số lượng phụ nữ kỷ lục vào quốc hội nước này – tới 223 người trong tổng số 577 ghế. Còn hồi tháng trước, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã bổ nhiệm 11 thành viên nữ trong nội các mới của mình. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, nội các xứ bò tót có số lượng nữ nhiều hơn nam.

Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Mỹ khi có thêm nhiều phụ nữ tham gia ứng cử hơn bao giờ hết sau nỗ lực tranh cử tổng thống thất bại hồi năm 2016 của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Số lượng tính tới ngày 9-7 của Trung tâm Phụ nữ và Chính trị Mỹ (CAWP) cho thấy có 470 phụ nữ - phần lớn từ đảng Dân chủ - ứng cử vào Hạ viện, tăng từ con số cao nhất trước đó là 298 người vào năm 2012. Nhưng do hiện chỉ chiếm 20% số thành viên Hạ viện, nên phụ nữ Mỹ vẫn còn một chặng đường dài để đạt được bình đẳng giới tại cơ quan lập pháp quốc gia.

Tổng thống Croatia “ghi điểm”

Sau khi trận chung kết World Cup kết thúc tối 15-7 với chiến thắng dành cho Pháp, Tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarovic đã tới ôm động viên và lau nước mắt cho cầu thủ Luka Modric, thủ quân đội tuyển Croatia và cũng là chủ nhân Quả Bóng Vàng World Cup 2018, danh hiệu dành cho cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu.

Khi chứng kiến bà không ngại đứng dưới mưa lớn ôm hôn, động viên cả cầu thủ thắng và thua trận, nhiều người cho rằng bà Kolinda Grabar-Kitarovic là “một hình mẫu mới”, “một lãnh đạo thực sự”, bởi bà “dạy cho thế giới chúng ta phải sống cởi mở, giản dị” và người chiến thắng trong trận Pháp - Croatia là bà chứ không phải đội tuyển Pháp.

HẢI NGUYỆT

Chia sẻ bài viết