12/07/2020 - 09:45

Ngành công nghiệp âm nhạc hậu COVID-19 

Ngành công nghiệp âm nhạc, cũng như nhiều ngành giải trí khác, phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 khi hàng loạt hoạt động đều ngưng trệ. Cho đến nay, nhiều sự kiện ngoài trời, tụ tập đông người vẫn chưa được phép ở một số nơi tại Mỹ, châu Âu càng khiến ngành công nghiệp này phải lao đao, đối mặt với nhiều khó khăn hơn.

Lễ hội âm nhạc Coachella 2019.

Thua lỗ và khó khăn chồng chất

Kết thúc nửa năm 2020, các hoạt động biểu diễn, thu âm vẫn chưa thể hoạt động bình thường trở lại khiến những nghệ sĩ, người lao động gắn bó với ngành công nghiệp âm nhạc gặp khó khăn chồng chất. Hiện nay, nhiều hoạt động âm nhạc vẫn đang tê liệt hoàn toàn, các nhà tổ chức sự kiện âm nhạc, phòng thu, các nhãn hiệu sử dụng nghệ sĩ, ca sĩ quảng cáo đều ngưng trệ. Hơn 40% các công ty chi quảng cáo cho các dịch vụ âm nhạc đều cắt, hoặc giảm chi tiền quảng cáo cho các dịch vụ của họ. Các kênh quảng cáo trực tuyến cũng cắt giảm tối đa. Ðiều này ảnh hưởng đến tổng doanh thu của ngành và thu nhập cá nhân các nghệ sĩ. Nhiều nghệ sĩ cho biết họ phải hoãn ngày phát hành các album cho tới cuối năm. Nguyên nhân là không thể sử dụng các tour diễn để quảng bá album mới, trong khi các buổi diễn trực tiếp đang bị cấm hoàn toàn. Một danh sách dài các buổi hòa nhạc, sự kiện âm nhạc lớn bị hủy bỏ.

Một số lễ hội âm nhạc phải hủy bỏ, đáng chú ý nhất là: Coachella, SXSW, Download Australia và Glastonbury - sự kiện âm nhạc lớn nhất nước Anh với hơn 200.000 khán giả tham dự. Khi các sự kiện bị hủy bỏ, phải hoàn tiền lại cho người mua hoặc hoãn vé lại cho sự kiện năm sau, tất nhiên Ban Tổ chức sẽ phải đối mặt với thua lỗ nặng nề. Cụ thể, các chuyên gia tư vấn đánh giá rằng lễ hội âm nhạc Glastonbury có thể bị lỗ đến 100 triệu bảng Anh khi bị hủy bỏ đột ngột. Tương tự, công ty Apenkooi Events (Hà Lan) của nhà đầu tư Tom Veldhuis, cũng rơi vào tình thế khó khăn chồng chất và suýt phải phá sản. Apenkooi Events bắt đầu mở bán vé lễ hội DGTL và nhanh chóng nhận được hơn 45.000 đơn đặt hàng. Tuy nhiên không lâu sau, chương trình bị hủy bỏ vì dịch bệnh. Apenkooi Events đã phải bồi thường hàng triệu USD cho khách hàng. Tom Veldhuis nói: “May mắn là khi tái ký hợp đồng bảo hiểm cho công ty, nhân viên của tôi đã tình cờ đánh dấu vào ô “đại dịch” trong đơn đăng ký. Chúng tôi đã nhận được 2,3 triệu USD tiền bồi thường và dùng nó để hoàn phí cho khách hàng, nếu không chỉ có phá sản”.

Thực tế, các lễ hội biểu diễn âm nhạc là nguồn thu chính trong ngành công nghiệp này. Ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu ước tính trị giá hơn 50 tỉ USD với hai dòng thu nhập chính. Trong đó, các tour diễn chiếm 50% tổng doanh thu, chủ yếu từ việc bán vé các buổi biểu diễn trực tiếp. Nguồn thu thứ hai đến từ các sản phẩm âm nhạc thu âm, như các bài hát phát trực tuyến, các sản phẩm âm nhạc cho phim, game, quảng cáo… Ðiều đó cho thấy việc ngừng các lễ hội, sự kiện âm nhạc gây ra thiệt hại rất nặng nề. Ðiển hình nhất là Hà Lan, quốc gia nổi tiếng với các lễ hội âm nhạc, bình quân mỗi năm có hơn 400 sự kiện lớn nhỏ, thu hút hàng triệu khán giả từ khắp thế giới. Tuy nhiên, các lễ hội âm nhạc tại nước này hoàn toàn bị tạm dừng cho đến tháng 9-2020 bởi lệnh cấm từ Chính phủ để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Ðiều này khiến ngành công nghiệp âm nhạc của Hà Lan phải chịu mức tổn thất có thể lên đến 8 tỉ USD và hàng chục ngàn lao động mất việc.

Có một sự thật là ngành công nghiệp âm nhạc hoạt động theo quy luật bất thành văn: các nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn và ê-kíp không được nhận được bất kỳ khoản thù lao nào trong trường hợp các chương trình âm nhạc bị hủy bỏ. Trong khi đó, phần lớn lao động trong ngành này lại là lao động tự do. Trong một báo cáo của Hiệp hội Nhạc sĩ Anh quốc đã chỉ ra rằng, làm việc tự do chiếm toàn bộ hoặc một phần trong nguồn thu nhập chính của 94% nhạc sĩ người Anh. Các nghệ sĩ, nhạc sĩ có thể kiếm nguồn thu từ sản phẩm âm nhạc nhưng với các lao động làm việc trong các sự kiện, lễ hội thì đang phải thất nghiệp và không hề có một nguồn thu nào.

Trở mình chật vật

Như đã đề cập ở trên, 50% nguồn thu của ngành công nghiệp âm nhạc đến từ các sản phẩm thu âm, như các bài hát phát trực tuyến, các sản phẩm âm nhạc cho phim, game, quảng cáo… Trong đó, sản phẩm từ nền tảng trực tuyến được cho là chiếm phần lớn. Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát ở cấp độ toàn cầu, các hoạt động biểu diễn trực tiếp vẫn chưa được phép thì thị trường trực tuyến trở thành lối thoát của các nghệ sĩ và ngành công nghiệp âm nhạc.

Theo đó, ngành công nghiệp âm nhạc đang bắt đầu trở mình với nhiều phương thức hoạt động mới hơn để kiếm tiền từ việc tiêu thụ âm nhạc trực tuyến, bán hàng trực tuyến. Các giao dịch trên internet đã tăng từ 9% lên 47% tổng số doanh thu toàn cầu của ngành âm nhạc trong 6 tháng đầu năm. Một thống kê cho thấy, trong quý đầu năm 2020, doanh thu từ âm nhạc trực tuyến tăng 70% so với cùng kỳ năm trước, đạt 42,7 triệu người (tăng 50,4% so với năm trước). Về lượng các đĩa nhạc được tiêu thụ theo dữ liệu ban đầu cho thấy giảm 7-9% ở một số thị trường, nhưng cho đến thời điểm hiện tại đã phục hồi do tình hình dịch bệnh được khống chế ở nhiều nơi. Trong khi đó, các nghệ sĩ cũng đang nỗ lực tiếp cận khán giả theo nhiều hình thức khác, như tổ chức các chương trình phát trực tuyến có thu phí độc quyền, hoặc thu phí tương tác. Doanh thu của họ cũng khôi phục được hơn 50%.

Ngoài ra, ngành công nghiệp âm nhạc tập hợp các cộng đồng, những đơn vị có sức ảnh hưởng, như: Universal Music, Spotify, Amazon Music, Youtube Music… xây dựng các quỹ hỗ trợ cho những người hoạt động trong ngành có thu nhập bị ảnh hưởng bởi COVID-19, bên cạnh các gói hỗ trợ từ Chính phủ.

Sau đại dịch COVID-19, ngành công nghiệp âm nhạc được cho là sẽ có nhiều thay đổi đột phá, từ đó tạo nên môi trường nhiều tiềm năng cho các tài năng trẻ, hợp tác âm nhạc đa quốc gia và mối quan hệ giữa các công ty âm nhạc với nghệ sĩ sẽ có nhiều thay đổi.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Billboard, Nytimes)

Chia sẻ bài viết