24/10/2020 - 20:46

Ngân hàng kích cầu tín dụng cuối năm

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), nửa đầu tháng 10-2020, lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng có xu hướng giảm so với cuối năm 2019. Hiện lãi suất tiền gửi bằng VND phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; lãi suất 3,5-3,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 4,4-6,2%/năm và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6-7%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 4,5%/năm; lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3-6/năm, trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3-4,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,2-6%/năm.

Lãnh đạo NHNN dự báo năm nay tăng trưởng tín dụng có thể đạt quanh mức 8-10%, mặc dù tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9-2020 mới đạt khoảng 6,1% nhưng kỳ vọng này có thể đạt được do các doanh nghiệp (DN) đang khởi động nhiều kế hoạch sản xuất kinh doanh phục vụ tiêu dùng cuối năm. Thêm vào đó, lãi suất cho vay cũng giảm, đây là động lực đẩy vốn ra thị trường.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, DN đang rất cân nhắc bài toán sản xuất kinh doanh cuối năm, bởi người tiêu dùng cũng đang thắt chặt chi tiêu, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thu nhập người dân giảm. Thực tế, nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi được các nhà băng tung ra giữa năm nay nhưng dư nợ cho vay mới tăng không nhiều, do cầu tín dụng của nền kinh tế thấp. Chỉ những DN có kế hoạch kinh doanh khả thi, đầu ra chắc chắn mới có nhu cầu vay vốn, song con số này không nhiều.    

Tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp nhất trong 5 năm gần đây và chỉ còn hơn 2 tháng nữa kết thúc năm tài khóa, nhiều ngân hàng đã tung ra nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh, mua nhà, mua ô tô… đối với khách hàng cá nhân và DN nhỏ và vừa. Theo đó, với DN nhỏ và vừa, Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay kinh doanh chỉ từ 5,9%/năm, cho các khoản vay mới từ ngày 13-10-2020. Với khách hàng cá nhân vay vốn kinh doanh, lãi suất chỉ từ 6,5%/năm.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đồng hành cùng DN, với gói tín dụng quy mô đến 30.000 tỉ đồng (khách hàng thuộc đối tượng được ưu đãi theo Nghị định 39/2018/NÐ-CP của Chính phủ - về hỗ trợ DN nhỏ và vừa). Agribank áp dụng thời hạn ưu đãi tối đa bằng VND không quá 6 tháng đối với khoản vay ngắn hạn giải ngân từ 1-10 đến hết 31-12-2020 và tối đa không quá 12 tháng đối với khoản vay trung, dài hạn giải ngân từ 1-10-2020 đến hết 30-6-2021. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn 4,8%/năm; trung và dài hạn 7,5%/năm.

Ngoài ra, Agribank cũng triển khai gói tín dụng 5.000 tỉ đồng cho DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI), từ nay đến hết 30-6-2021, lãi suất cho vay xuất khẩu tối đa 4,8%/năm và tối đa 6,5%/năm đối với nhập khẩu hoặc sản xuất kinh doanh trong nước. Từ ngày 14-9-2020, Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm thêm 0,5%/năm đối với khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19; lãi suất vay 6-11 tháng ở mức 5,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng từ 6%/năm. BIDV đang triển khai gói vay sản xuất kinh doanh thông thường quy mô 70.000 tỉ đồng, lãi suất từ 5,5%/năm với khoản vay kỳ hạn đến 12 tháng và gói trung dài hạn 40.000 tỉ đồng lãi suất từ 7,2%/năm với khoản vay thời hạn từ 36 tháng…

Có thể thấy, các nhà băng đang nỗ lực đẩy vốn ra thị trường, với kỳ vọng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết