13/06/2019 - 08:57

Ngăn chặn ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa 

Các sản phẩm túi nylon và các bao bì bằng nhựa từ lâu đã trở thành vật dụng rất phổ biến trong cuộc sống hằng ngày của mọi người. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, đây chính là gánh nặng cho môi trường nếu rác thải nhựa, túi nylon không được xử lý thải ra môi trường… Do đó, giải pháp ngăn chặn, hạn chế sử dụng rác thải nhựa đang rất cần sự chung tay của cả cộng đồng...

Đoàn viên thanh niên quận Ninh Kiều ra quân vớt rác, bảo vệ môi trường tại các tuyến sông, rạch trên địa bàn.

Đoàn viên thanh niên quận Ninh Kiều ra quân vớt rác, bảo vệ môi trường tại các tuyến sông, rạch trên địa bàn.

Ô nhiễm từ rác thải nhựa

Theo kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hiện nay bình quân mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng 223 túi nylon/tháng, tương đương 1kg túi nylon/hộ/tháng. Như vậy, cả nước sẽ có hàng triệu túi nylon được sử dụng và thải ra môi trường mỗi ngày. Túi nylon xuất hiện ở khắp nơi, từ chợ đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ cho đến khu trung tâm thương mại, mua sắm lớn và hiện hữu hằng ngày trong từng gia đình. Trong đó, mỗi gia đình trong cả nước đang là đối tượng chính tiêu dùng, sử dụng và phát thải các sản phẩm nhựa, túi nylon. Điều đáng buồn là Việt Nam đang được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho rằng, rác thải nhựa đang là vấn nạn môi trường nhức nhối của thế giới và cả Việt Nam. Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác nhựa đến năm 2050 ở các đại dương sẽ nặng hơn khối lượng của cá trong đại dương. Mặc dù các sản phẩm từ nhựa và nylon ra đời đã mang lại không ít tiện ích cho đời sống con người, nhưng việc lạm dụng những sản phẩm này đã và đang để lại những hậu quả khôn lường đối với môi trường, sức khỏe con người và hệ sinh vật. Phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm, các chất thải từ nhựa và nylon mới bị phân hủy. Trong hàng trăm năm đó, chúng cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật, làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, thu hẹp không gian sống của sinh vật và gây độc cho môi trường. Chất thải nhựa và nylon khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chứa Dioxin và Furan - những chất kịch độc, tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Do đó, giải pháp hạn chế sử dụng, xử lý hợp lý chất thải nhựa rất cần cộng đồng thực hiện”.

Ở TP Cần Thơ hằng ngày thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt khoảng 690 tấn, trong đó rác thải nhựa, túi nylon chiếm từ 7 đến 10%. Điều này khiến giải pháp xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Bởi rác thải nhựa, túi nylon phải mất thời gian phân hủy lâu, chi phí xử lý tốn kém… Bà Cao Thị Minh Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP Cần Thơ, cho biết: “Với đặc tính bền trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi nylon, hộp đựng đồ ăn, cốc nhựa…) cùng với các chất gây ô nhiễm khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người. Chất thải nhựa trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội. Lượng rác thải nhựa, túi nylon phần lớn do thói quen sử dụng trong sinh hoạt của người dân và thải ra môi trường. Nếu chúng ta không cải thiện được thói quen tiêu dùng thì mọi gánh nặng về việc sử dụng túi nylon sẽ đổ dồn lên hoạt động thu gom và xử lý chất thải cho đơn vị chức năng. Ngay từ bây giờ mỗi gia đình, mỗi người dân nên thay đổi thói quen dùng túi nhựa, nylon trong sinh hoạt hằng ngày,  thay thế bằng vật dụng tiện lợi, dễ phân hủy, xử lý khi thải ra môi trường…”.

Nâng cao ý thức cộng đồng

Theo Bộ TN&MT, để hạn chế rác thải nhựa, nylon cần có nhiều biện pháp. Trong đó, các cấp, các ngành tăng cường vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của các thành viên trong từng gia đình trong công tác bảo vệ môi trường; phát động phong trào, chiến dịch giảm thiểu sử dụng và phát sinh rác thải nhựa, nylon bằng các loại khác như túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi nylon tự phân hủy, túi dệt từ sợi nylon sử dụng nhiều lần… để hướng đến đối tượng chính sử dụng là các gia đình. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng cần đẩy nhanh và quyết liệt hơn trong phổ biến văn hóa tiêu dùng hiện đại thông qua các sản phẩm thân thiện môi trường và có nguồn gốc tự nhiên.

Ngày 9-6-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi toàn quốc hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, đồng thời cho rằng việc giải quyết ô nhiễm, chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc, chung tay của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và từng gia đình... Thủ tướng kêu gọi các cấp các ngành, đoàn thể và toàn xã hội thực hiện phương châm: nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa. Phấn đấu đến năm 2021, các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần...

Chất thải nhựa khó phân hủy kéo dài gây ô nhiễm môi trường, chi phí xử lý tốn kém nhưng lại là nguồn năng lượng tái tạo khi sử dụng đúng phương pháp. Ở TP Cần Thơ, khi đưa vào hoạt động Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ đã góp phần đáng kể vào việc xử lý rác, đặc biệt là chất thải từ nhựa. Ông Chenwei, Phó Tổng giám đốc Công ty Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ (chủ đầu tư xây dựng và khai thác Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ), khẳng định: “Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ tiếp nhận và xử lý mỗi ngày từ 420 tấn đến 450 tấn rác thải sinh hoạt. Quy trình xử lý rác bằng công nghệ đốt và phát điện, đấu nối vào lưới điện quốc gia. Chúng tôi cam kết trong quá trình quản lý và vận hành nhà máy đốt rác phát điện tuân thủ nghiêm túc theo quy định bảo vệ môi trường của Việt Nam và quy định của TP Cần Thơ. Tuy nhiên, việc phân loại rác thải (rác đốt được) cũng cần thực hiện nghiêm túc, đúng yêu cầu…”.

Sở TN&MT TP Cần Thơ cũng đang thực hiện kế hoạch tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố cắt giảm sử dụng nhựa, giảm thiểu đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và nylon; tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi nylon, sử dụng các sản phẩm nhựa có khả năng tái chế, tái sử dụng… Đồng thời, thành phố cũng tăng cường các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa vào môi trường tự nhiên.

Siêu thị Co.opmart Cần Thơ cũng đã sử dụng túi bao bì tự hủy, túi môi trường canvas và túi xanh môi trường để bao gói hàng hóa cho khách hàng. Đây là sản phẩm có khả năng tái sử dụng nhiều lần và việc sử dụng túi bao bì tự hủy, túi môi trường canvas và túi xanh môi trường sẽ góp phần giảm phát thải bao bì nhựa vào môi trường. Thời gian tới, Siêu thị Co.opmart cũng yêu cầu các đối tác cung cấp hàng hóa giảm thiểu tối đa sử dụng bao bì nhựa trong đóng gói sản phẩm…

Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, cho biết: “Tại TP Cần Thơ, các hoạt động chống rác thải nhựa đã và đang được thực hiện thường xuyên, với sự tham gia của cộng đồng nhằm hạn chế tối đa sử dụng sản phẩm nhựa, túi nylon, sản phẩm nhựa dùng một lần. Các hoạt động này từng bước phát huy hiệu quả và sẽ tiếp tục được nhân rộng thời gian tới”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết