25/10/2023 - 09:29

Ngăn chặn nhập lậu gia súc và gia cầm 

Nhập lậu gia súc và gia cầm (GS&GC) không chỉ làm ảnh hưởng đến giá cả đầu ra các sản phẩm chăn nuôi của nông dân mà còn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm. Để phát triển chăn nuôi bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang tích cực phối hợp các bộ ngành Trung ương và địa phương ngăn chặn nhập lậu GS&GC từ nước ngoài vào nước ta. Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phát triển chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản xuất để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Nhập lậu có chiều hướng tăng

Dù ngành chức năng có nhiều nỗ lực trong ngăn chặn nhưng vẫn còn tình trạng GS&GC được nhập lậu qua biên giới vào nước ta. Đáng chú ý, tình hình buôn bán, vận chuyển nhập lậu gia súc gia cầm trong 9 tháng năm 2023 có chiều hướng gia tăng rất mạnh. Dù chưa có các số liệu thống kê tổng thể và đầy đủ về tình hình nhập lậu GS&GC. Song, qua báo cáo và thống kê của ngành chức năng tại nhiều địa phương cho thấy, các địa phương đã phát hiện và tiêu hủy lượng GS&GC nhập lậu khá lớn. Đặc biệt là đối với các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Long An, An Giang... Ngành chức năng tại các địa phương này đã bắt giữ và tiêu hủy hàng chục nghìn con gia cầm, hàng chục nghìn quả trứng, hàng chục nghìn ký sản phẩm động vật và hàng trăm con gia súc. Dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán 2024 do nhu cầu tiêu thụ tăng, tình hình buôn lậu GS&GC còn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Theo ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y thuộc Bộ NN&PTNT, trong 9 tháng năm 2023, Cơ quan Thú y cửa khẩu tại nhiều địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý hơn 63 vụ nhập lậu, với gần 25.000 quả trứng gia cầm, trên 320.000 con động vật, hơn 20.000kg sản phẩm động vật nhập lậu bị tiêu hủy. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia,  Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành... đã có nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức các đoàn công tác đi trực tiếp nhiều địa phương để ngăn chặn nhập lậu GS&GC. Tuy nhiên, do việc kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn nhập lậu tại một số nơi và tại một số thời điểm còn hạn chế, vì vậy tình hình buôn bán, vận chuyển nhập lậu GS&GC có chiều hướng tăng so với các năm trước, nhất là ở các tỉnh biên giới. Ông Minh cho biết: “Việc nhập lậu GS&GC tạo nguy cơ xâm nhiễm nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm bởi hầu hết các loại GS&GC đều có những loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho chúng và có thể lây truyền sang con người. Đáng chú ý, hầu hết các bệnh mới nổi gần đây đều có nguồn gốc phát sinh từ nước ngoài như bệnh heo tai xanh, bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm, tả heo châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu bò...”.

Thương lái thu mua heo hơi của người dân ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Thương lái thu mua heo hơi của người dân ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Cần phối hợp đồng bộ

Nhằm tăng cường phối hợp với các bên liên quan trong việc đề ra các giải pháp hiệu quả và đồng bộ để ngăn chặn nhập lậu GS&GC, Bộ NN&PTNT vừa tổ chức hội nghị “Ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững”. Tại hội nghị này, nhiều đại biểu kiến nghị, tới đây các cơ quan chức năng ở Trung ương cần phối hợp chặt với các địa phương và đơn vị có liên quan trong ngăn chặn nhập lậu GS&GC. Tăng cường tuần tra, kiểm tra, nắm sát tình hình để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào nước ta. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động người dân và các doanh nghiệp ưu tiên kinh doanh và tiêu dùng hàng trong nước, không tham gia mua bán, sử dụng các sản phẩm động vật nhập lậu và không rõ nguồn gốc. Hỗ trợ người dân trong phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh, chủ động đảm bảo nguồn con giống sản xuất trong nước với chất lượng tốt và có giá thành thấp để ngăn ngừa con giống nhập lậu...

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, tình trạng nhập lậu GS&GC ở nước ta đã xảy ra nhiều năm nay, đặc biệt vào những thời điểm có sự chênh lệch giá sản phẩm giữa nước ta với các nước giáp biên. Việc nhập lậu GS&GC gây ra nhiều hệ quả xấu cho ngành chăn nuôi trong nước như lây dịch bệnh, phá vỡ thị trường, tạo cạnh tranh không lành mạnh... Do vậy, công tác phòng, chống nhập lậu GS&GC cần phải thực hiện thường xuyên và liên tục, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành chức năng và các bên có liên quan, nhất là các cơ quan ở tuyến đầu như công an, bộ đội biên phòng, hải quan, lực lượng thú y tại các địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng: “Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của các bên có liên quan, công tác chống buôn lậu GS&GC cần được làm thường xuyên, liên tục. Đồng thời, phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan, trong đó cần có sự phối hợp tốt và thường xuyên, liên tục, chặt chẽ từ các cơ quan ở Trung ương đến địa phương. Chú ý phối hợp kiểm soát nhập lậu tại các cửa khẩu, đường biên giới và cả việc giết mổ, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa”. Cũng theo ông Dương, muốn phát triển chăn nuôi bền vững thì cần sự tăng trưởng ổn định, hài hòa lợi ích của các tác nhân có liên quan, tiết kiệm các yếu tố tài nguyên, đảm bảo môi trường. Theo đó, cần kiểm soát tốt về dịch bệnh, an toàn thực phẩm, môi trường, thị trường và tổ chức các chuỗi liên kết. Việc kiểm soát vấn đề nhập khẩu và nhập lậu các loại vật nuôi và sản phẩm động vật có tác động đến hầu hết các yếu tố để đảm bảo cho chăn nuôi bền vững. Cụ thể như, nếu không kiểm soát tốt việc nhập lậu sẽ không kiểm dịch được, cũng như không đảm bảo an toàn thực phẩm, không bảo vệ được thị trường...

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, trong 10 năm qua, ngành chăn nuôi tăng trưởng 4,5-6%/năm. Ngành chăn nuôi đã tạo sinh kế, việc làm và thu nhập cho 6 triệu hộ dân và có đóng góp rất lớn cho nông nghiệp và phát triển xuất khẩu. Trong 9 tháng đầu năm 2023, giá trị ngành chăn nuôi chiếm 26,7% trong tổng giá trị ngành Nông nghiệp. Để ngành chăn nuôi lớn mạnh, trụ vững và ngăn chặn GS&GC nhập lậu, tới đây chúng ta cần phát triển công nghiệp giống, công nghiệp thức ăn chăn nuôi để tự chủ, không phải nhập khẩu. Tăng cường chế biến sâu để nâng cao chuỗi giá trị và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để giảm phát thải trong chăn nuôi và bảo vệ môi trường. Tạo môi trường đầu tư thuận lợi để người dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi. Đặc biệt, để ngăn chặn GS&GC nhập lậu thì việc phối hợp chặt giữa các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương là rất quan trọng...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết