28/10/2024 - 09:08

Nâng cao "sức khỏe" đất gắn với quản lý dinh dưỡng cây trồng 

Nâng cao sức khỏe đất trồng trọt gắn với quản lý dinh dưỡng cây trồng là yêu cầu cấp thiết hiện nay nhằm ổn định và nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, phát thải thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH). Các hoạt động để nâng cao sức khỏe đất trồng trọt và quản lý dinh dưỡng cây trồng cần có sự quan tâm vào cuộc của tất cả các bên có liên quan.

Để sản xuất lúa gạo bền vững, các địa phương vùng ĐBSCL cần phải chú ý bảo vệ và nâng cao sức khỏe đất trồng lúa trước tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Thu hoạch lúa ở tỉnh Sóc Trăng.  

Yêu cầu cấp thiết

Sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng là yếu tố then chốt trong việc đảm bảo năng suất và chất lượng cây trồng, duy trì an ninh lương thực và phát triển nền nông nghiệp bền vững. Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về sức khỏe đất, như đất đai bị suy thoái do xói mòn, nhiễm phèn, nhiễm mặn ở các vùng thấp và sự lạm dụng phân bón hóa học cũng như thuốc bảo vệ thực vật. BÐKH càng làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái đất, khiến dinh dưỡng cây trồng trở nên khan hiếm và mất cân đối. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà còn tác động nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Do vậy, cần phải kịp thời có các giải pháp và hành động nhằm bảo vệ tài nguyên đất, bảo vệ sức khỏe đất gắn với quản lý tốt dinh dưỡng cây trồng để ổn định và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Nhằm bảo vệ và phục hồi tài nguyên đất, đảm bảo an ninh lương thực, xây dựng nền nông nghiệp bền vững và an toàn sinh thái, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng đã có Quyết định số 3458/QÐ-BNN-BVTV ngày 11-10-2024 phê duyệt Ðề án "Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Ðề án đề ra mục tiêu ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả nhằm hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, các-bon thấp và thích ứng với BÐKH. Ðề án cũng xác định rõ, đất là nguồn tài nguyên quan trọng, là tư liệu sản xuất đặc biệt, không thể tái tạo của sản xuất nông nghiệp, cần sự chăm sóc thường xuyên để ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt, hướng tới nền nông nghiệp sinh thái bền vững, tuần hoàn, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học. Nâng cao sức khỏe đất trồng trọt và quản lý dinh dưỡng cây trồng là vấn đề không thể tách rời mà bổ trợ cho nhau, trong đó quản lý dinh dưỡng cây trồng đóng vai trò quan trọng trong ổn định, nâng cao sức khỏe đất trồng trọt. Cần có sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cũng như mỗi người sử dụng đất trên cơ sở phát huy những điều kiện, lợi thế sẵn của mỗi vùng và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các nguồn tài nguyên khác.

Các bên liên quan cần vào cuộc tích cực

Bộ NN&PTNT vừa tổ chức hội nghị "Triển khai Ðề án nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Tại hội nghị này, nhiều đại biểu cho rằng, để thực hiện đạt các mục tiêu của Ðề án và kịp thời ổn định, nâng cao sức khỏe đất trồng trọt, rất cần có sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cũng như mỗi người sử dụng đất. Chú ý phát huy những điều kiện thuận lợi và lợi thế sẵn của mỗi vùng gắn với các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các nguồn tài nguyên khác để nâng cao sức khỏe đất trồng trọt và quản lý dinh dưỡng cây trồng một cách hiệu quả và bền vững. Ðồng thời, cần lồng ghép và gắn kết với các đề án, chương trình khác có liên quan để phát huy tốt các nguồn lực. Theo ông Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật Việt Nam, cần lồng ghép các chương trình, hoạt động về nâng cao sức khỏe đất trồng trọt gắn với quản lý dinh dưỡng cây trồng, quản lý sức khỏe cây trồng và quản lý dịch hại tổng hợp… để tạo thành hệ thống. Có lộ trình thực hiện đối với từng nhóm đất cho những loại cây trồng cụ thể. Qua đó, giúp phát huy tối đa các nguồn lực để bảo vệ, nâng cao sức khỏe đất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng và tăng hiệu quả sản xuất.

Ðể bảo vệ sức khỏe đất, chúng ta cần có chiến lược tăng cường chất hữu cơ cho đất từ nay đến năm 2050 và tiếp tục thực hiện cho những năm tiếp theo. PGS.TS Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam, cho biết: "Trên thế giới, hầu như không có nước phát triển nào để đất bị xấu. Các nước phát triển luôn chú trọng bảo vệ đất bởi đất khỏe thì mới tạo ra các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm an toàn, con người mới khỏe mạnh. Bổ sung chất hữu cơ cho đất là yếu tố căn bản, quan trọng nhất cho sức khỏe của đất. Ðất thì ai cũng biết, nhưng nói về sức khỏe của đất thì nhiều người còn chưa biết hoặc chưa rõ. Tuy nhiên, nếu coi đất như là một cơ thể sống thì nó có 3 thành phần quan trọng gồm tính chất vật lý của đất, hóa tính của đất, vi sinh vật trong đất và biểu hiện sức khỏe đất cũng được thể hiện ở các thành tố và tính chất trên". Theo PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, Nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, để tổ chức thực hiện tốt Ðề án, cần sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành để "thổi hồn" vào đất. Cần thành lập Ban chỉ đạo và Ban sẽ đề xuất kế hoạch tổng thể cho từng năm và 5 năm. Chỉ đạo các địa phương cử người chịu trách nhiệm cụ thể và định kỳ có tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề để sơ kết, tổng kết đánh giá. Ðồng thời, lồng ghép tối đa với các đề án khác đã được phê duyệt.

Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ được Ðề án đề ra và các ý kiến đóng góp của đại biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung đã giao Cục Bảo vệ thực vật chủ trì phối hợp thực hiện tổng hợp, tiếp thu các ý kiến để tham mưu Bộ xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai Ðề án, trong đó có phân công nghiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị thuộc Bộ, cùng các địa phương và đơn vị có liên quan. Ðồng thời, phải có lộ trình cụ thể để thực hiện, đặc biệt lộ trình và các kết quả cần đạt được đến năm 2030. Trong từng năm cần có sơ kết đánh giá kết quả đạt được và những khó khăn vướng mắc để Bộ phối hợp các địa phương và các bên liên quan tháo gỡ kịp thời… Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, trên cơ sở 5 nhiệm vụ chính và 15 nhiệm vụ chi tiết được Ðề án đề ra, cần xây dựng kế hoạch cụ thể, trong kế hoạch phân công cho từng đơn vị thuộc bộ, từng viện, trường và Sở NN&PTNT các địa phương thực hiện các nội dung cụ thể và tránh bỏ sót nhiệm vụ.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết