06/03/2008 - 09:52

Nga - Ukraina lại căng thẳng

Công nhân Gazprom vận hành đường ống dẫn khí đốt. Ảnh: AFP 

Quan hệ giữa Nga và Ukraina lại trở nên căng thẳng sau khi tập đoàn Gazprom của Nga cắt giảm 50% lượng khí đốt cung cấp cho Ukraina bắt đầu từ ngày 3-3, đồng thời để ngỏ khả năng sẽ cắt giảm nhiều hơn nữa. Nguyên nhân phía Nga đưa ra là do Kiev không thanh toán 1,5 tỉ USD nợ mua khí đốt theo thỏa thuận giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Viktor Yushchenko tại Mát-xcơ-va hồi tháng 2 vừa qua. Động thái trên diễn ra ngay sau khi ông Dmitry Medvedev, Chủ tịch Gazprom, giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga, cho thấy chính sách cứng rắn trong quan hệ với phương Tây và các nước láng giềng thuộc Liên Xô trước đây của ông Putin sẽ được tiếp nối.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Yushchenko hôm 3-3, ông Medvedev giục Kiev nhanh chóng giải quyết vấn đề nợ đọng. Trong khi đó, Tổng thống Yushchenko chỉ xã giao bằng việc chúc mừng ông Medvedev đắc cử. Theo người phát ngôn Gazprom Sergei Kupriyanov, Ukraina tiêu thụ 1,9 tỉ m3 khí đốt, trị giá khoảng 600 triệu USD, kể từ đầu năm nay mà không được Nga cho phép. Phía Ukraina thì cho rằng lượng khí đốt mà Nga cho là thất thoát trên lãnh thổ Ukraina không thuộc trách nhiệm của Kiev, do vậy không đồng ý trả khoản tiền này.

Mặc dù Nga khẳng định các khách hàng ở Tây Âu sẽ không bị ảnh hưởng, nhưng hiện Ukraina là tuyến trung chuyển chính, chiếm 80% lượng khí đốt xuất khẩu của Nga tới châu Âu, khu vực phụ thuộc khoảng 1/4 nhu cầu khí đốt vào Gazprom. Do vậy mà Đức - khách hàng lớn nhất của Gazprom- và các nước Trung Âu vốn phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt của Nga, đang như “ngồi trên đống lửa”. Họ lo sợ lại xảy ra tình trạng cắt đứt nguồn cung như hồi tháng 1-2006 sau cuộc tranh cãi về giá khí đốt giữa Nga và Ukraina. Khi đó, Gazprom ngừng cung cấp khí đốt vào giữa mùa đông khiến cho cả khu vực Tây Âu hốt hoảng. Trước tình hình hiện nay, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết sẽ đến Mát-xcơ-va vào cuối tuần này để đàm phán với ông Medvedev. Cao ủy Năng lượng Liên minh châu Âu (EU) Andris Piebalgs cũng triệu tập cuộc họp khẩn cấp các công ty khí đốt EU nhằm đảm bảo nguồn cung liên tục.

Việc Gazprom hạn chế bán khí đốt cho Ukraina là một vụ tranh chấp thương mại, nhưng nhiều người hoài nghi động cơ chính trị tiềm ẩn bên trong. Nga luôn theo dõi sát sao những nỗ lực của Tổng thống Yushchenko nhằm đưa Ukraina gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và EU. Mới đây, Tổng thống Putin tuyên bố mạnh mẽ ngay sau cuộc gặp với Tổng thống Yushchenko rằng Nga có thể hướng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào Ukraina nếu nước này gia nhập NATO và cho phép Mỹ triển khai “lá chắn tên lửa” nhằm vô hiệu hóa sức mạnh của Nga. Và không phải ngẫu nhiên Mát-xcơ-va quyết định cắt giảm nguồn cung khí đốt cho Ukraina vào thời điểm này khi mà các nhà lãnh đạo Ukraina vừa gởi thư cho Tổng thư ký NATO Jaap De Hoop Scheffer, đề nghị xem xét việc Ukraina tham gia “Kế hoạch hành động” để trở thành thành viên NATO tại Hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest (Roumanie) vào tháng 4 tới.

Theo các nhà phân tích, việc “đòi nợ” khí đốt có thể chỉ là cái cớ để Nga tăng sức ép đối với Ukraina nhằm buộc nước này từ bỏ ý định gia nhập NATO.

N.MINH (Theo AFP, Guardian, THX)

Chia sẻ bài viết