26/06/2021 - 21:51

Nga trước cơ hội hiện thực hóa giấc mơ tại Bắc Cực 

Sự ấm lên ở Bắc Cực đang khiến giấc mơ ấp ủ hàng thế kỷ của Nga trở thành hiện thực. Theo đó, một tuyến vận tải biển đi qua vùng biển phía Bắc hay còn gọi là Tuyến đường Biển Bắc (NSR) sẽ được mở ra, đưa Mát-xcơ-va trở thành trung tâm của tuyến vận tải thương mại toàn cầu mới từ châu Á sang châu Âu, từ đó đối đầu với Mỹ và có thể tạo ra xích mích với Trung Quốc, 2 nước đều có tham vọng ở Bắc Cực.

Trung tâm vận chuyển hàng hóa toàn cầu

Tàu phá băng hạt nhân Arktika của Nga tại Bắc Cực. Ảnh: WSJ

Tàu phá băng hạt nhân Arktika của Nga tại Bắc Cực. Ảnh: WSJ

Theo Nhật báo Phố Wall (WSJ), sự ấm lên ở Bắc Cực đang diễn ra nhanh gấp đôi so với phần còn lại của hành tinh. Năm ngoái, lượng băng tại khu vực đạt mức thấp nhất từng được ghi nhận và dự kiến sẽ giảm thêm vào năm nay. Tình trạng này đang giúp Nga đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng dọc theo tuyến vận tải thương mại toàn cầu mới, được cho có thể rút ngắn tuyến vận tải giữa châu Á và châu Âu xuống còn 1/3 so với tuyến vận tải qua Biển Đông đầy rẫy cạnh tranh chính trị hoặc eo biển Malacca nhỏ hẹp.

WSJ cho hay, Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Nga Rosatom, nơi quản lý đội tàu phá băng hạt nhân có thể đi qua lớp băng dày hơn 3 mét, đang soạn thảo kế hoạch bố trí nhân viên, tăng cường cơ sở hạ tầng cảng dọc theo NSR, cung cấp hỗ trợ hàng hải và viện trợ y tế cho các tàu. Ngoài ra, Rosatom cũng cho xây dựng một nhà máy điện hạt nhân nổi dọc theo tuyến đường nhằm hỗ trợ công tác xây dựng cơ sở hạ tầng.

Dù tồn tại nhiều vấn đề, chẳng hạn như chi phí hộ tống tàu phá băng, chi phí vận chuyển cũng như nhiều tình huống không thể đoán trước tại Vòng Bắc Cực nhưng việc mở ra NSR sẽ đưa Nga trở thành trung tâm của tuyến đường vận tải toàn cầu mới, phục vụ cho cung cấp năng lượng và hàng hóa. Mát-xcơ-va cho biết họ toàn quyền kiểm soát NSR và có thể áp mức phí quá cảnh. Đặc biệt, tuyến đường sẽ trở thành “át chủ bài” quan trọng trong quan hệ với Trung Quốc, một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ tuyến đường dài 3.500 hải lý.

Tuy nhiên, Mỹ nói rằng Nga không có quyền điều tiết giao thông qua các vùng biển Bắc Cực, trong khi các nhà bảo vệ môi trường cho rằng việc vận chuyển nhiều trên các vùng biển tại khu vực có thể gây ra những thiệt hại khôn lường đối với hệ sinh thái vốn mong manh ở Bắc Cực. Thậm chí, một báo cáo chiến lược về Bắc Cực của Hải quân Mỹ cho rằng quy định bất hợp pháp về giao thông hàng hải dọc theo tuyến đường làm suy yếu lợi ích toàn cầu, thúc đẩy sự bất ổn và cuối cùng là làm suy giảm an ninh trong khu vực.

Về phần mình, Trung Quốc đang theo dõi động thái của Nga. Đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa ra bất kỳ cam kết nào để đầu tư vào NSR hoặc đưa ra các đảm bảo về hàng hóa. Hiện Trung Quốc đang “để mắt” tới tuyến đường trong trường hợp các tuyến thương mại khác ở Biển Đông bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ hoặc các đồng minh của Washington.

Cho đến nay, lưu lượng giao thông do Nga điều tiết tăng 11% so với mức kỷ lục 1.014 chuyến vận tải được thực hiện hồi năm ngoái, vốn tăng hơn 25% so với năm 2019, với 33 triệu tấn hàng hóa, dầu và khí đốt tự nhiên hóa lỏng được vận chuyển. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông muốn lượng hàng hóa được vận chuyển tăng lên mức 80 triệu tấn vào năm 2024. Theo nhà lãnh đạo xứ bạch dương, Nga đang ấp ủ dự án đóng thêm nhiều tàu phá băng lớp mới dù sở hữu lượng tàu phá băng hạt nhân nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Được biết, số tiền mà Nga dành cho dự án lên tới 11,5 tỉ USD, qua đó nêu bật tham vọng lớn của Mát-xcơ-va ở Bắc Cực.

Tăng cường sức mạnh răn đe quân sự

Để thể hiện sức mạnh tại khu vực mà Mỹ đang bị tụt hậu, Nga đẩy nhanh công tác hoàn thiện Căn cứ Không quân Nagurskoye ở Bắc Băng Dương, biến điểm tập kết máy bay từng bị bỏ hoang thời Liên Xô thành một trong những tiền đồn quân sự tiên tiến nhất. Đây chỉ là một trong chuỗi các căn cứ mới và được tân trang nhằm phục vụ tham vọng của Điện Kremlin ở khu vực Bắc Cực giàu tài nguyên. Những căn cứ này được kết hợp nhằm tạo thành một quân khu mới dưới sự chỉ huy của Hạm đội Phương Bắc.

Những căn cứ quân sự này được triển khai hệ thống tên lửa S-400 và radar tân tiến có khả năng ngăn chặn bước tiến của các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong Vịnh Kola (phía trên Vòng Bắc Cực), Hạm đội phương Bắc có tàu ngầm hạt nhân lớp mới giúp Nga duy trì lợi thế dưới lòng Bắc Cực. Trong khi đó, các tàu phá băng quân sự mới của Nga vốn có tiềm năng được trang bị tên lửa hành trình sẽ sớm đi lại trên các vùng biển Bắc Cực.

Trong một phát biểu hồi tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nhấn mạnh: “Đang có sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các quốc gia mạnh nhất thế giới về khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên ở Bắc Băng Dương và các tuyến đường trung chuyển. Nhờ các biện pháp được thực hiện, Hạm đội Phương Bắc có thể chống chọi một cách hiệu quả với những thách thức và mối đe dọa mà Nga đang phải đối mặt ở Bắc Cực”.

Về phần mình, chính quyền Mỹ đã tính toán lại chiến lược Bắc Cực, qua đó thúc đẩy kế hoạch tăng cường chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 đến bang Alaska. Đây là bang có nhiều chiến đấu cơ hiện đại nhất của Mỹ trong nỗ lực phô trương sức mạnh không quân áp đảo trước mối đe dọa từ hệ thống phòng thủ chống máy bay của Nga.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết