24/04/2018 - 21:44

Nga tính “biếu không” S-300 cho Syria 

Trước thông tin Nga có thể trang bị miễn phí hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 cho lực lượng vũ trang Syria, giới phân tích quan ngại động thái này có thể làm dấy lên làn sóng bất ổn mới tại Trung Đông.

Trích các nguồn tin quân sự và ngoại giao, tờ Kommersant tiết lộ kế hoạch cung cấp hệ thống tên lửa tầm xa đất đối không S-300 của Nga cho Syria “trên thực tế đã được giải quyết”. Theo đó, chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ sớm nhận được phiên bản S-300PMU-2. Những thiết bị trong tổ hợp gồm radar, bệ phóng, phương tiện vận tải, trạm kiểm soát sẽ được chuyển đến Syria bằng máy bay vận tải quân sự hoặc tàu hải quân Nga. Hiện nay, Syria chỉ được trang bị một số hệ thống phòng không đã cũ như S-125, S-200, Buk, Kvadrat và Osa chế tạo từ thời Liên Xô. Nếu có thêm S-300, quân đội chính phủ có thể nâng cao năng lực phòng thủ tầm xa chống lại mục tiêu tên lửa hoặc máy bay tầm cao.

Hệ thống phòng không S-300 của Nga. Ảnh: Times of Israel

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong chuyến thăm Trung Quốc hôm 23-4 cho biết kế hoạch này vẫn chưa được quyết định. Dù vậy, lãnh đạo ngoại giao Nga xác nhận Tổng thống Vladimir Putin đã thảo luận vấn đề với Bộ Quốc phòng về kế hoạch hạn chế tình huống quân đội Syria không đủ năng lực đối phó  “những hành động hung hăng” tương tự vụ không kích của Mỹ, Anh và Pháp nhắm vào nước này hôm 14-4.

Cuối tuần rồi, Ngoại trưởng Lavrov cũng khẳng định Nga không còn bị ràng buộc bởi “trách nhiệm đạo đức” để không cung cấp S-300 cho Damascus.

Được biết năm 2013, Điện Kremlin đã đóng băng thỏa thuận cung cấp S-300 cho Damascus trước lời kêu gọi của Israel. Nhưng sau vụ tấn công của phương Tây đối với Syria, giới quan sát dự đoán Mát-xcơ-va có thể thay đổi lập trường và đây sẽ là thông điệp cảnh báo gởi đến đồng minh của Mỹ tại Trung Đông vốn được cho đang nắm ưu thế về không quân trong khu vực.

Theo dự đoán của Mát-xcơ-va, Tel Aviv nhiều khả năng sẽ phản ứng bằng cách đánh bom khu vực đặt hệ thống tên lửa khi nó được triển khai đến Syria. Tuy nhiên, tờ Kommersant trích 2 nguồn tin quân sự Nga cảnh báo Nhà nước Do Thái sẽ phải “gánh hậu quả thảm khốc” nếu phát động tấn công. Đây cũng là mối đe dọa mà giới phân tích quan ngại, đó là quyết định của Nga có thể thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực và kéo theo làn sóng bất ổn mới tại Trung Đông, đặc biệt trong bối cảnh các bên liên quan liên tục đưa ra những tuyên bố đe nẹt lẫn nhau.

Lệnh cấm vận của Mỹ gây khó cho đồng minh

Theo đạo luật được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hồi tháng 8 -2017, Washington sẽ áp lệnh trừng phạt lên bất kỳ quốc gia nào giao dịch với Nga trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng và tình báo. Động thái này được cho “gây khó dễ” cho các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á.

Điển hình là Ấn Độ - đối tác chiến lược hàng đầu của Mỹ trong sách lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Được biết, New Delhi đang thảo luận với Nga về hợp đồng cung cấp hệ thống phòng không S-400 trị giá 6 tỉ USD. Tổ hợp này được chào mời với nhiều tính năng vượt trội có thể chống lại tên lửa đạn đạo, máy bay tàng hình mà Trung Quốc đang phát triển cũng như áp đảo năng lực của Pakistan, đối thủ khác của Ấn Độ trong khu vực. Trong khi đó, theo kế hoạch, đối tác của Mỹ tại Đông Nam Á là Indonesia trong năm nay sẽ nhận 2 chiến đấu cơ đầu tiên trong số 11 chiếc Su-35 theo thỏa thuận ký với Nga trị giá trên 1 tỉ USD.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết