26/01/2022 - 08:57

Nga - Thổ: Hợp tác nhưng khó liên minh 

Tồn tại giữa ranh giới đối thủ và đối tác, mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bị cho khó hình thành liên minh riêng nhưng dễ đối đầu khi hai bên cùng cạnh tranh lợi ích ở Biển Đen, Trung Đông và Bắc Phi.

Binh sĩ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra chung ở Syria. Ảnh: Getty Images

Binh sĩ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra chung ở Syria. Ảnh: Getty Images

Trong số 30 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), không quốc gia nào khiến liên minh “đau đầu” hơn Thổ Nhĩ Kỳ. Không chỉ vì vị trí quan trọng của Ankara, mà còn vì mối liên hệ của họ với Nga.

Trong lịch sử, quan hệ trồi sụt giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là sự tiếp nối của căng thẳng cùng thù địch trong các cuộc chiến kéo dài từ thế kỷ 16. Đến đầu thế kỷ 20, hai nước bắt đầu hợp tác hạn chế nhưng lại nhanh chóng đối đầu sau tranh chấp trong Chiến tranh thế giới thứ 2, kết quả là Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO vào năm 1952. Để chứng tỏ tinh thần chống Mát-xcơ-va, Ankara chấp nhận cho Mỹ triển khai một phần kho vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ và ủng hộ các lợi ích, sứ mệnh của NATO trong khu vực cũng như trên thế giới.

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, quan hệ Nga - Thổ có dấu hiệu khởi sắc khi Ankara bắt đầu nhập khí đốt của Liên Xô vào năm 1987. Hợp tác kinh tế cũng phát triển với Nga hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2009, Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Ankara và hai nước đã ký kết hiệp định miễn thị thực, mở đường cho khoảng 3 triệu du khách Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ nghỉ dưỡng mỗi năm. Mát-xcơ-va cũng ký thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ để cung cấp cho châu Âu, thay cho tuyến đường ống qua Ukraine.

Cân bằng thận trọng

Những năm gần đây, hợp tác giữa Ankara và Mỹ cùng phương Tây sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí đối đầu qua các biện pháp trừng phạt sau loạt mâu thuẫn liên quan việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, hợp tác với Nga ở Syria, bên cạnh hoạt động chống người Kurd và trấn áp phe đối lập trong nước. Phản ứng dữ dội của phương Tây, kết hợp sự phẫn nộ của Thổ Nhĩ Kỳ về các “tiêu chuẩn kép”, những tranh cãi trong vấn đề liên quan Cộng hòa Síp và di cư, sự đình trệ trong gia nhập Liên minh châu Âu, đã thúc đẩy Ankara hướng về Mát-xcơ-va nhiều hơn.

Theo các nhà quan sát, tình trạng quan hệ Nga - Thổ hiện tại là kết quả của sự chuyển dịch các ưu tiên sau Chiến tranh Lạnh cũng như những thay đổi đối với cán cân quyền lực ở khu vực. Nhưng với các cuộc xung đột địa chính trị âm ỉ trong nhiều thế kỷ, giới phân tích cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga không có nghĩa họ thoải mái trước những tham vọng và ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga. Bối cảnh này buộc người Thổ xây dựng sự “cân bằng thận trọng” giữa Mát-xcơ-va và phương Tây.

Tương lai rủi ro

Thổ Nhĩ Kỳ tuy có mâu thuẫn nhưng chưa bao giờ tuyên bố từ bỏ quan hệ đối tác quân sự với Mỹ và các đồng minh NATO. Còn với Nga, Ankara mua S-400 là dấu hiệu của sự hợp tác chặt chẽ hơn nhưng nỗ lực của họ hiện đại hóa quốc phòng phần lớn cũng vì muốn đối phó rủi ro từ các hoạt động tăng cường năng lực quân sự của Nga.

Điều này còn được thể hiện qua sự hỗ trợ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ cho các quốc gia lân cận có xung đột với Nga. Đáng chú ý là mối quan hệ thân thiết giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Ukraine kể từ thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Ankara thậm chí công khai ủng hộ kết nạp Ukraine và Gruzia vào NATO, điều mà Nga cực lực phản đối.

Theo các nhà phân tích, quan điểm của Ankara là muốn cùng NATO ngăn chặn ảnh hưởng hơn nữa của Nga ở Biển Đen. Nhưng họ lại không muốn quân sự hóa quá mức, dẫn tới khủng hoảng khu vực. Điều đó lý giải tại sao Thổ Nhĩ Kỳ một mặt là đối thủ với Nga trên nhiều mặt trận, mặt khác tiếp tục cam kết tăng cường hợp tác với Điện Kremlin trong một số lĩnh vực như điện hạt nhân và mua bán thiết bị quân sự. Stephen Flanagan, nhà khoa học chính trị cấp cao tại tổ chức nghiên cứu RAND, cho rằng sự hợp tác đang diễn ra phần nào nói lên việc Ankara chấp nhận thực tế địa chính trị và đáp ứng bằng chính sách cân bằng thận trọng. Nhưng mâu thuẫn sẵn có cùng lợi ích cạnh tranh mới có thể khiến quan hệ song phương bất ổn, dễ dàng đối đầu và dẫn đến tính toán sai lầm -  chuyên gia này cảnh báo.

MAI QUYÊN (Theo Business Insider)

Chia sẻ bài viết