15/08/2018 - 15:37

Nga tăng cường vai trò ở châu Phi 

Bằng cách thúc đẩy hợp tác quân sự, hợp đồng mua sắm vũ khí và đầu tư, giới phân tích cho rằng Nga đang trở lại châu Phi sau nhiều năm “im hơi lặng tiếng” và hiện nhắm vào các đối thủ châu Âu và thậm chí là Trung Quốc.

Nỗ lực đầu tư hợp tác

Trong 3 năm qua, Mát-xcơ-va tích cực tăng cường vị thế của họ tại lục địa đen, với tốc độ gấp rút hơn trong những tháng gần đây. Trong đó, nỗ lực nổi bật nhất của Nga diễn ra ở Cộng hòa Trung Phi (CAR), quốc gia nghèo khó và bất ổn. Từ đầu năm nay, Nga đã cung cấp vũ khí cho quân đội CAR sau khi được Liên Hiệp Quốc “bật đèn xanh” và còn hỗ trợ an ninh cho Tổng thống nước này Faustin-Archange Touadera (do công ty tư nhân Sewa Security chịu trách nhiệm). Ngay cả cố vấn an ninh của vị lãnh đạo này cũng là người Nga. Bên cạnh đó, Nga cũng cử 5 sĩ quan và 170 “cố vấn” để tiếp sức cho lực lượng vũ trang của CAR, mặc dù quân đội nước này đang được huấn luyện bởi Liên minh châu Âu. 

Tổng thống Nga Putin (phải) đón tiếp người đồng cấp Cộng hòa Trung Phi Touadera hồi tháng 5. Ảnh: kremlin.ru

Trong khi đó, ngoài việc chuyển giao khí tài cho Cameroon để quân đội nước này chống lại các phần tử thánh chiến Boko Haram, Mát-xcơ-va cũng tạo dựng quan hệ quân sự với các nước Cộng hòa Dân chủ Congo, Burkina Faso, Uganda và Angola, đồng thời hợp tác với Sudan về năng lượng hạt nhân. Ngay cả những lĩnh vực mà Trung Quốc là thế lực đang nổi ở châu Phi như công nghiệp khai khoáng ở Zimbabwe và Guinea, Nga cũng “nhảy vào” hợp tác.

Dmitry Bondarenko, Phó giám đốc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết châu Phi hiện nằm “ở cuối” danh sách những ưu tiên chính sách đối ngoại của Điện Kremlin, nhưng lục địa này “đang bắt đầu quan trọng hơn”. Theo ông Bondarenko, kể từ năm 2014 và vụ sáp nhập bán đảo Crimea, Nga rơi vào cuộc đối đầu với phương Tây và công khai bày tỏ mong muốn trở thành cường quốc thế giới một lần nữa. Vì thế, giới chức xứ bạch dương không thể ngó lơ mảnh đất châu Phi.

Thay đổi mang tính chiến lược

Liên xô cũ từng duy trì sự hiện diện đáng kể ở châu Phi, nhưng khi quốc gia này tan rã, các vấn đề kinh tế và xung đột nội bộ trong nước hồi thập niên 1990 buộc Mát-xcơ-va buông bỏ các dự án tại đây. Dù vậy, cách đây ít nhất một thập niên, Điện Kremlin bắt đầu tái thiết các mạng lưới cũ và từng bước quay trở lại châu Phi, nhằm tìm kiếm đối tác mới.

Quá trình này bắt đầu bằng các chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Algeria, Nam Phi và Morocco năm 2006. Lâu nay, Mát-xcơ-va có quan hệ khắn khít với 3 nước này và Ai Cập. Người kế nhiệm ông Putin là Dmitry Medvedev sau đó cùng với phái đoàn 400 người đã sang thăm Angola, Namibia và Nigeria năm 2009. Trong năm nay, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng thực hiện chuyến công du 5 quốc gia châu Phi, còn Tổng thống Putin thì bay sang Johannesburg (Nam Phi) dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) lần thứ 10 hồi tháng rồi.

Theo giới bình luận, đối với một số quốc gia châu Phi, cải thiện quan hệ với Nga rất có ý nghĩa bởi nó giúp họ có thể “mặc cả” với châu Âu và Trung Quốc. Điều này có nghĩa “có thêm một đối tác tức là thêm một kênh đầu tư và phát triển cũng như nhận sự hỗ trợ từ một quốc gia hùng mạnh trên trường quốc tế”, theo lập luận của Yevgeny Korendyasov, cựu đại sứ Nga tại nhiều quốc gia châu Phi.

CAR dường như là ví dụ đầu tiên cho thấy những lợi ích của việc chủ nhân Điện Kremlin chuyển hướng sang châu Phi. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, CAR chưa bao giờ thân mật với Nga, nhưng nay Bangui nhắm đến Mát-xcơ-va để giúp binh sĩ của họ đẩy lùi các dân quân hiện kiểm soát phần lớn lãnh thổ nước này. “Trước đây, các quốc gia mà phương Tây không muốn hợp tác, chẳng hạn như Sudan hoặc Zimbabwe, chỉ có thể quay sang Trung Quốc. Giờ thì Nga tự giới thiệu là sự thay thế hiển nhiên”- chuyên gia Korendyasov nhận định.

THANH BÌNH (Theo AFP)

Chia sẻ bài viết