23/04/2016 - 13:34

Nga tăng cường tuần tra biển bằng tàu ngầm

Thời báo New York (NYT) của Mỹ mới đây cho biết, tàu ngầm tấn công của Nga đang bắt đầu hiện diện tại khu vực bờ biển vùng Scandinavia, Scotland, Địa Trung Hải và Bắc Đại Tây Dương- động thái mà giới chức phương Tây cho rằng Mát-xcơ-va đang muốn cạnh tranh sự thống trị dưới biển với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tàu ngầm mang tên lửa chống chiến hạm

Đô đốc Mark Ferguson, chỉ huy hải quân Mỹ tại châu Âu tiết lộ, mật độ tuần tra của các tàu ngầm Nga tăng gần 50% trong năm 2015 và không có dấu hiệu thay đổi kể từ thời gian đó. Giới phân tích cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy mối quan tâm mới trong cuộc chiến tàu ngầm của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người không ngần ngại chi hàng tỉ USD để phát triển các tàu ngầm tấn công mới chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc diesel, hoạt động êm hơn, được trang bị tốt hơn và do các thủy thủ chuyên nghiệp hơn vận hành. Đặc biệt, Chuẩn Đô đốc Viktor Kochemazov thuộc Bộ Tổng Tham mưu Hải quân Nga đã xác nhận nước này đang có kế hoạch trang bị cho tàu ngầm tấn công mang động cơ hạt nhân lớp Project 971 Bars (Akula) tên lửa hành trình Kalibr 3M-54, vũ khí chống chiến hạm hiệu quả cao đã được chứng minh trong các vụ phóng gần đây từ tàu ngầm tấn công lớp điện-diesel Rostov-on-Don.

Tàu ngầm tấn công lớp điện-diesel Rostov-on-Don của Nga. Ảnh: EPA

Hiện Nga có khoảng 45 tàu ngầm tấn công, trong đó khoảng 20 tàu ngầm hoạt động bằng năng lượng hạt nhân, 20 tàu ngầm khác hoạt động bằng động cơ diesel. Đa phần được thiết kế có thể đánh chìm tàu ngầm hoặc các loại tàu khác, thu thập thông tin tình báo và tiến hành các cuộc tuần tra. Dù chỉ khoảng một nửa trong số này là có thể được triển khai tại bất kỳ thời điểm nào, nhưng Hải quân Nga mới đây đã thay đổi chiến lược an ninh hàng hải, tập trung củng cố sức mạnh lực lượng và mở rộng khả năng tiếp cận không những ở Bắc Cực mà còn vươn ra toàn Đại Tây Dương. Các tàu ngầm và tàu do thám Nga được cho là đang hoạt động rất gần các tuyến cáp biển quan trọng, lưu chuyển gần như toàn bộ mọi thông tin liên lạc Internet toàn cầu. Giới chức tình báo và quân sự Mỹ lo ngại, Nga có thể tấn công những tuyến cáp này trong trường hợp xảy ra xung đột hay căng thẳng leo thang. Ngoài ra, Nga còn đang phát triển một thiết bị không người lái dưới đáy biển có thể mang theo vũ khí hạt nhân chiến lược cỡ nhỏ để tấn công bến cảng hay những khu vực ven biển.

Mỹ và NATO lấy cớ đua tàu ngầm

Các nhà phân tích quân sự độc lập của Mỹ nhận định hoạt động tuần tra hàng hải bằng tàu ngầm của Nga sẽ là một thách thức đối với Mỹ và NATO. Tuy không gây căng thẳng, nhưng hoạt động của tàu ngầm Nga tại các vùng biển quốc tế có thể dẫn đến tai nạn hoặc tính toán sai lầm với đối phương. Có điều, trước bất kỳ mối đe dọa nào, Washington xem đây là "cớ" mới để tăng cường ngân sách phát triển tàu ngầm cũng như chuẩn bị cuộc chiến chống tàu ngầm. Giới quan chức hải quân Mỹ cho hay, sự gia tăng số lượng tàu ngầm Nga, với khả năng thăm dò bờ biển châu Âu hay bí mật theo dõi các hạm đội tàu mặt nước phương Tây, sẽ buộc Washington phải mua sắm thêm chiến hạm, máy bay và kể cả tàu ngầm để ứng phó trong ngắn hạn. Về lâu dài, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề xuất một khoản ngân sách trị giá 8,1 tỉ USD trong vòng 5 năm tới để tăng cường "sức mạnh dưới đáy biển", trong đó gồm kế hoạch phát triển 9 tàu ngầm tấn công lớp Virginia mới có thể mang tới 40 tên lửa hành trình Tomahawk, gấp 3 lần khả năng hiện tại. "Chúng ta đang trở lại với cuộc đua cạnh tranh đại quyền lực" - Đô đốc John M. Richarson, chỉ huy tác chiến hải quân Mỹ tuyên bố.

Hiện tại, Mỹ sở hữu 53 tàu ngầm tấn công hoạt động bằng năng lượng hạt nhân cũng như 4 tàu ngầm khác có thể mang theo tên lửa hành trình và lực lượng đặc nhiệm. Tại bất kỳ thời điểm nào, gần 1/3 số tàu ngầm tấn công của Mỹ đều hiện diện trên biển để tuần tra hoặc huấn luyện. Giới chức Hải quân Mỹ và giới phân tích phương Tây cho rằng tàu ngầm tấn công của Mỹ nếu xét về mặt tốc độ, độ bền và tính tàng hình đều vượt trội hơn so với các tàu ngầm tấn công của Nga. Lầu Năm Góc cũng đang phát triển các công nghệ tinh vi để theo dõi thông tin liên lạc bị mã hóa từ các tàu ngầm của Nga và các loại tàu tự vận hành hoặc được điều khiển từ xa. Trong khi đó, các thành viên của NATO như Anh, Đức và Na Uy thì đang có kế hoạch mua hoặc cân nhắc mua nhiều tàu ngầm mới trước sự "tung hoành" của hạm đội tàu ngầm Nga ở vùng Baltic và Bắc Cực.

TRÍ VĂN (Theo NYT, Janes)

Chia sẻ bài viết