18/08/2009 - 08:27

Nga sẵn sàng cho “chiến tranh giữa các vì sao”?

Hệ thống tên lửa S-400 của Không quân Nga. Ảnh: Spacewar

Phát biểu trước báo giới mới đây, Tư lệnh Không quân Nga Alexander Zelin dự báo đến năm 2030, Mỹ sẽ có khả năng tấn công bất kỳ địa điểm nào trên Trái đất từ trên không và không gian thông qua hệ thống tên lửa được điều khiển bằng vệ tinh. Để chống lại mối đe dọa đó, ông cho biết Nga đang có kế hoạch xây dựng một hệ thống phòng thủ trên không và không gian mới (ASD) vào năm 2020. Theo Thượng tướng Zelin, hệ thống phòng thủ đặc biệt này sẽ được trang bị tên lửa chống máy bay tiên tiến đang trong quá trình sản xuất như S-300, S-400 và S-500 đang được nghiên cứu phát triển. Ông nhấn mạnh hệ thống tên lửa đất-đối-không S-500 không dựa trên công nghệ của S-400, mà nó được xây dựng hoàn toàn mới để tấn công “bất cứ tên lửa đạn đạo và phương tiện bay siêu thanh trên không nào” của kẻ thù. Theo các nguồn tin quân sự, tên lửa S-500 sẽ có tầm bắn 3.500 km.

Ngoài các hệ thống tên lửa trên, ASD còn được tăng cường loại máy bay đánh chặn dựa trên nền tảng thiết kế của chiếc MiG-31. Được trang bị tên lửa không-đối-không và không-đối-đất, MiG-31 có thể xác định 10 mục tiêu ở khoảng cách 200 km và cùng lúc bắn trúng 4 mục tiêu trong số đó. Bên cạnh đó, Nga cũng đang phát triển một loại máy bay do thám mới có khả năng tránh bị hệ thống phòng thủ của đối phương phát hiện. Công nghệ tránh radar này sau đó có thể được sử dụng cho máy bay ném bom chiến lược tầm xa thế hệ thứ 5 theo dự án PAK DA giữa Nga và Ấn Độ, sẽ hoàn tất vào cuối những năm 2020. Và để phát huy hiệu quả hệ thống phòng thủ tên lửa, Nga đang tiến hành thử nghiệm một trạm radar mới đặt tại phía Nam và Đông Nam nước này, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm nay.

Tuy vậy, kế hoạch phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa nói trên của Nga hiện đang có “vấn đề”. Chẳng hạn, tên lửa Bulava của tàu ngầm hạt nhân lớp Borei trong 11 lần thử nghiệm từ năm 2007 đến nay đã có 6 lần thất bại. Sau lần thử nghiệm mới nhất bị thất bại ngày 16-7, Tổng thống Dmitry Medvedev đã quyết định cách chức Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược Nikolai Solovtsov và thay vào đó là Phó Tư lệnh Andrei Shvaichenko. Hãng thông tấn Interfax của Nga nói rằng hệ thống này có thể bị gác lại nếu những lần thử nghiệm tiếp theo bị thất bại. Thay vào đó, Nga sẽ trang bị tên lửa Sineva cho tàu ngầm lớp Borei. Sineva là vũ khí chiến lược thế hệ mới có khả năng vượt qua bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào và có lần đã được phóng thành công đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 11.547 km.

Theo các chuyên gia quân sự, mối lo ngại của Nga về những hiểm họa từ trên không và không gian là có cơ sở khi Mỹ đang xúc tiến thành lập Lực lượng không gian vũ trụ viễn chinh (EAF), bao gồm sự phối hợp giữa các phương tiện tác chiến kỹ thuật trên không và các loại máy bay quân sự siêu thanh đủ sức tấn công chính xác bất cứ mục tiêu nào trên hành tinh. Chưa biết liệu EAF có hoàn thành vào năm 2030 như kế hoạch hay không, nhưng rõ ràng nó đang kích thích các nước khác, trong đó có Nga, tìm đủ mọi cách để đối phó.

KIẾN HÒA
(Theo RIA Novosti, AFP, Xinhua, Wikipedia)

Chia sẻ bài viết