03/04/2013 - 09:28

25 năm sau cuộc chiến tại Afghanistan

Nga muốn trở lại “vùng đất xưa”?

Gần 25 năm sau khi quân đội Liên Xô (cũ) rút khỏi Afghanistan, Nga có thể sẽ quay lại đất nước Nam Á này thông qua kế hoạch thiết lập "các căn cứ bảo dưỡng" những thiết bị quân sự đang được lực lượng an ninh Afghanistan sử dụng, sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút quân khỏi đây vào năm 2014, thông tin vừa được các quan chức Quốc phòng Nga tiết lộ gần đây.

"Điều quan trọng là bảo trì hệ thống vũ khí và thiết bị quân sự của lực lượng vũ trang Afghanistan trong tình trạng sử dụng được"- Sergei Koshelev, người đứng đầu Cơ quan hợp tác quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Nga, khẳng định trước báo giới hồi cuối tuần qua. Các chuyên gia Nga cho rằng cam kết mới sẽ bị giới hạn trong những ràng buộc thương mại cũng như phải được thương lượng với NATO trước khi họ rút quân khỏi Afghanistan và tuyệt đối không liên quan gì đến vai trò hoạt động quân sự.

Nhiều chuyên gia Nga khẳng định Mát-xcơ-va không muốn tái hiện hình ảnh quân sự năm 1988 tại Afghanistan vào thời điểm này. Ảnh: AP 

Lý giải cho ý định trên của Mát-xcơ-va, giới phân tích cho rằng trước tiên đây là một nhu cầu khách quan nhằm duy trì và sửa chữa các thế hệ vũ khí quân sự hạng nặng do Liên Xô sản xuất trước đây đã được lực lượng vũ trang Afghanistan sử dụng. Hơn một thập kỷ qua, ngoài việc tái vũ trang cho quân đội Chính phủ Afghanistan bằng các loại vũ khí tinh vi do phương Tây sản xuất, Mỹ cũng đã chi hàng trăm triệu USD mua vũ khí của Nga, gồm khoảng 70 máy bay Mi-17, từ tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport để lấp đầy nhu cầu của họ.

Điều thứ hai là Nga muốn thiết lập các tiền đồn ở Afghanistan bởi vì mức báo động ngày càng cao về sự trỗi dậy của các tay súng Hồi giáo, những phần tử vốn đã gieo rắc bất ổn cho các quốc gia thời hậu Liên Xô như Tajikistan và Uzbekistan suốt những năm 1990 đầy hỗn loạn.

"Mát-xcơ-va đang cực kỳ lo ngại rằng bất cứ sự leo thang nào tại Afghanistan sau khi NATO rút quân vào năm 2014 có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh của Nga và các nước châu Âu"- ông Koshelev nói thêm.

Bên cạnh đó, việc sản xuất ma túy đã bùng nổ dưới sự giám sát của NATO ở Afghanistan và nhiều tổ chức tội phạm đã thực hiện việc vận chuyển thông qua vùng Trung Á, qua đó "nuôi dưỡng" tệ nạn tham nhũng và thế lực của mafia trên khắp khu vực. Nhiều người Nga lo sợ khi NATO rút quân có thể sớm để họ phải đơn độc đối mặt với những thử thách trên.

Vadim Kozyulin, nhà nghiên cứu thuộc trung tâm PIR, viện chính trị an ninh hàng đầu ở Mát-xcơ-va, nhận định: "Đây là thời điểm Nga phác họa nỗ lực mới, tức là chúng tôi phải nhận lấy trách nhiệm chia sẻ về phần mình. Chúng tôi đang đóng vai trò lãnh đạo chính trị và quân sự tại Trung Á… Thậm chí trước đây, Tổng thống Putin có nói sẽ không gửi các chuyên gia Nga đến Afghanistan, quân đội Nga hiện nay khẳng định chúng tôi có thể hình thành các doanh nghiệp trên lãnh thổ Afghanistan nhằm phục vụ trang thiết bị quân sự. Tình thế đang thay đổi".

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng sự ổn định ở Afghanistan, quốc gia mà Liên Xô duy trì mối quan hệ trong quá khứ, sẽ là chìa khóa cho khả năng đạt được các mục đích khác của Nga ở khu vực này.

"Chúng ta nên đầu tư ngay từ bây giờ. Có nhiều đề xuất từ phía Chính phủ Afghanistan, bao gồm tham gia khảo sát địa chất, phát triển việc sản xuất dầu mỏ và nguồn nước. Lời đề nghị xây dựng tuyến xe điện ngầm ngay tại Thủ đô Kabul cũng được đưa ra và Mát-xcơ-va hiện đang xem xét"- Anatoly Tsyganok, chuyên gia tại trung tâm Dự báo Quân đội và là thành viên của một hội đồng cố vấn thuộc Bộ Quốc phòng Nga, lên tiếng.

THANH BÌNH (Theo SC Monitor)

Chia sẻ bài viết