17/11/2021 - 08:14

Nga “chọc giận” NASA 

Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson tỏ ra “phẫn nộ” trước việc Nga phá hủy vệ tinh bằng một tên lửa, tạo ra chùm mảnh vỡ buộc các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) phải tìm cách tránh né.

Vụ phá hủy vệ tinh Cosmos 1408 của Nga tạo ra số lượng mảnh vỡ nhiều nhất kể từ năm 2007. Ảnh: AP

“Với lịch sử thực hiện những chuyến bay có người vào không gian, thật khó có thể nghĩ rằng Nga không chỉ đe dọa những phi hành gia người Mỹ và đồng nghiệp quốc tế trên ISS mà còn chính các nhà du hành của Mát-xcơ-va”, ông Nelson nhấn mạnh trong tuyên bố, nhắc đến cuộc thử nghiệm phá hủy vệ tinh cũ của Nga hôm 15-11. Mục tiêu bắn phá là Cosmos 1408, vệ tinh tình báo được Liên Xô phóng lên quỹ đạo năm 1982 và đã ngừng hoạt động hàng chục năm nay.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price gọi vụ phóng là “hành động nguy hiểm, vô trách nhiệm” bởi nó đã tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ có thể truy vết được và hàng trăm ngàn mảnh vụn nhỏ hơn trên quỹ đạo. Khi đó, phi hành đoàn trên ISS, gồm 4 người Mỹ, 2 người Nga và một người Ðức, đã phải nhanh chóng vào trú ẩn trong các phi thuyền dùng cho chuyến bay trở về. Ðây là thủ tục đề phòng cho trường hợp khẩn cấp có thể buộc phải sơ tán. ISS sau đó trở lại mức báo động “xanh” và các phi hành gia tiếp tục công việc.

Tuy nhiên, Phòng Kiểm soát sứ mệnh của NASA cho biết mối đe dọa từ những mảnh vỡ có thể vẫn treo lơ lửng trong 2 ngày tới và tiếp tục cản trở hoạt động nghiên cứu khoa học của các phi hành gia. Hàng trăm ngàn mảnh vỡ với kích cỡ quá nhỏ để có thể truy vết, nên vẫn đặt ra mối nguy cho ISS khi trạm này quay quanh Trái đất 93 phút mỗi vòng. Một mảnh sơn thậm chí cũng có thể gây thiệt hại lớn bởi nó di chuyển với vận tốc lên tới 28.000km/h.

Những vụ phá hủy vệ tinh trước đây

Vũ khí diệt vệ tinh (ASAT) thông thường gồm các hệ thống laser mặt đất hoặc không gian có khả năng vô hiệu hóa cảm biến của vệ tinh do thám. Một phương án khác là vệ tinh được phóng lên và chờ trên quỹ đạo, sẵn sàng lao vào thiết bị không gian của đối phương để gây hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn. Trong khi đó, vũ khí mà Nga vừa bắn là ASAT phóng từ mặt đất và có khả năng kết liễu vệ tinh đối phương trên quỹ đạo, sử dụng nguyên lý dẫn bắn và đánh chặn tương tự lá chắn tên lửa đạn đạo.

Hiện trên thế giới chỉ có vài nước sở hữu ASAT, gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Ðộ. Các vụ phóng thử vũ khí công nghệ cao này là hiếm, nhưng vẫn bị chỉ trích vì hiểm họa mà nó gây ra cho các phi hành gia trong quỹ đạo thấp của Trái đất. Năm 2007, Trung Quốc từng thử nghiệm ASAT để bắn hạ vệ tinh dự báo thời tiết cũ, tạo ra xấp xỉ 2.300 mảnh vỡ. Một trong những mảnh vỡ này mới đây đã tiếp cận ISS ở khoảng cách nguy hiểm, buộc trạm vũ trụ phải né tránh. Trong năm 2008 và 2019, lần lượt Mỹ và Ấn Ðộ cũng tiến hành các vụ bắn thử ASAT nhưng ở độ cao thấp hơn nhiều so với ISS và chỉ tạo ra 400 mảnh vỡ/vụ.

Theo nhà thiên văn học Jonathan McDowell tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard - Smithsonian (Mỹ), những vật thể đầu tiên của chùm mảnh vỡ sẽ bắt đầu rơi trở lại bầu khí quyển trong vòng vài tháng, nhưng có thể mất tới 10 năm để dọn sạch chùm mảnh vỡ. Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ đang theo dõi khoảng 20.000 mảnh rác vũ trụ, bao gồm các vệ tinh cũ hoặc hư hỏng.

Quỹ đạo thấp của Trái đất đang trở nên chật chội hơn trong những năm gần đây do sự bùng nổ của ngành công nghiệp vệ tinh. Trong số hơn 6.500 vệ tinh trên quỹ đạo hiện nay, chỉ có 3.000 thiết bị hoạt động. Các công ty như SpaceX dự định phóng thêm hàng chục ngàn vệ tinh trong tương lai.

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, ABC News)

Chia sẻ bài viết