New Zealand đang cân nhắc khả năng tham gia trụ cột phi hạt nhân của Hiệp ước Ðối tác an ninh tăng cường 3 bên Úc - Anh - Mỹ (AUKUS). Ðộng thái này diễn ra khi Trung Quốc không ngừng gia tăng hiện diện ở Thái Bình Dương, dấy lên lo ngại về kịch bản “thiết lập lại trật tự thế giới”.
Quan chức Úc và New Zealand gặp nhau tại Melbourne.
Ngày 31-1, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters cùng Bộ trưởng Quốc phòng Judith Collins đã tới thành phố cảng Melbourne để gặp gỡ và làm việc với những người đồng cấp Úc Penny Wong và Richard Marles theo hình thức đối thoại “2+2”. Ðây là lần đầu tiên quan chức 2 nước hợp tác theo khuôn khổ trên với các cuộc đàm phán tập trung vào cách tiếp cận chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng. Tại cuộc họp báo chung, Bộ trưởng Marles cho biết hai nước chia sẻ tình hình chiến lược “rất phức tạp” và nhất trí mở rộng hợp tác quốc phòng. Ðặc biệt, ông Marles thông báo phái đoàn Úc sẽ sớm tới New Zealand để thảo luận về “Trụ cột 2” của Hiệp ước AUKUS.
Với mục tiêu thúc đẩy khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương “tự do, rộng mở, an toàn và ổn định”, chính phủ các nước Mỹ, Anh và Úc từ khi ký kết hiệp ước vào năm 2021 đã xác định AUKUS là một phần quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia. AUKUS được chia thành hai trụ cột. Trụ cột 1 là cung cấp cho Úc các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trụ cột 2 là hợp tác phát triển các năng lực quốc phòng tiên tiến liên quan 8 lĩnh vực gồm năng lực dưới biển, công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo (AI), các năng lực mạng, siêu thanh và chống vũ khí siêu thanh, tác chiến điện tử, đổi mới sáng tạo và chia sẻ thông tin. Chính phủ 3 nước tham gia hiệp ước sẽ điều phối những lĩnh vực này thông qua các nhóm công tác.
Với quan điểm chống hạt nhân, New Zealand đã từ chối cơ hội hợp tác theo Trụ cột 1. Tuy nhiên, năm ngoái Thủ tướng New Zealand khi đó là Chris Hipkins cho biết nước này sẵn sàng đối thoại về việc tham gia AUKUS trên các lĩnh vực công nghệ quốc phòng, tức Trụ cột 2 của thỏa thuận. Người kế nhiệm ông, tân Thủ tướng Christopher Luxon, trong chuyến thăm đầu tiên tới Úc vào tháng 12-2023 cũng khẳng định hiệp định an ninh là một “yếu tố quan trọng” để đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Trong phát biểu mới đây, Bộ trưởng Collins hy vọng các quan chức Úc sẽ tới New Zealand dự cuộc họp sơ bộ về AUKUS “càng sớm càng tốt”.
Khi được hỏi tham gia AUKUS có thể làm xấu đi mối quan hệ với Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand hay không, Ngoại trưởng Peters cho biết Thái Bình Dương đang nhận sự quan tâm từ ngoài khu vực trước sự rời xa và “bỏ bê” của các quốc gia có lợi ích truyền thống. Qua đây, ông khẳng định Wellington chỉ đang thực hiện lợi ích quốc gia của mình. So với những đối tác trong liên minh an ninh tình báo Five Eyes (gồm Anh, Úc, Canada, Mỹ và New Zealand), New Zealand chủ trương cách tiếp cận hòa giải hơn đối với Trung Quốc. Nhưng vài năm gần đây, họ thường xuyên lên tiếng về các vấn đề như nhân quyền, trật tự dựa trên luật pháp quốc tế và nguy cơ quân sự hóa Thái Bình Dương. Ðặc biệt, trước các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực, New Zealand từ năm 2022 bắt đầu thúc đẩy phát triển kế hoạch hợp tác an ninh hàng hải với Quần đảo Solomon và ký kết thỏa thuận quốc phòng với Fiji vào năm 2023.
Các nỗ lực trên là một phần trong chiến lược của New Zealand để xây dựng ảnh hưởng tích cực ở Thái Bình Dương theo hướng bình đẳng với các nước láng giềng. Ủng hộ chủ trương này, Ngoại trưởng Úc trong cuộc họp báo chung cho biết cả Úc lẫn New Zealand đều có vai trò đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Mối quan hệ này ngày càng quan trọng giữa thời điểm thế giới đang được “định hình lại” và khu vực đang đối mặt thách thức chiến lược khó khăn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Ngoài New Zealand, các quốc gia khác bao gồm Nhật Bản cũng bày tỏ sự quan tâm đến Trụ cột 2 của AUKUS.
MAI QUYÊN (Theo Bloomberg)