25/01/2020 - 15:37

Nét xưa phố mới 

​ Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong lần đầu đặt chân đến Cần Thơ vào đầu năm 1919, học giả Phạm Quỳnh đã khen ngợi “La capitale de L’Ouest”, nghĩa là Thủ đô của Miền Tây. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà trong cuốn “Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” xuất bản vào năm 1909, tác giả Nguyễn Liên Phong đúc kết:

“Cần Thơ xứ lắm bạc tiền,

Bởi vì thổ sản điền viên cả ngàn.

Chín tổng trong chín mươi làng,

Ruộng thuộc ruộng khẩn muôn vàn biết nhiêu.

Vườn nhờ huê lợi cũng nhiều,

Bông hoa cây trái mỹ miều thường niên”

Kể vậy để thấy rằng, đô thị miền sông nước Cần Thơ sung túc từ hơn trăm năm trước, để hôm nay giữa phố thị hiện đại, người Cần Thơ vẫn hay nhắc về ký ức phố cũ nét xưa, văn minh miệt vườn, những món ngon mùi nhớ và người Cần Thơ hiếu học lễ nghĩa.

Những ký ức ấy đã làm dày thêm bản sắc đô thị Cần Thơ, dung hòa giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, phát triển và di sản.

Rêu phong chợ cổ Cần Thơ.

“Xe cộ từ ngày có con đường tráng nhựa cũng chạy vào ào ào để đi tắt được một khúc đường qua chợ. Nhiều hôm du khách nước ngoài nhìn thấy bờ kè đẹp đẽ cũng rẽ vào tham quan, khách chạy xe đạp có, đi bộ có làm mấy đứa con nít chạy theo “Hello! Hello!” rào rào, vui ơi là vui!”.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết (Hội Nhà văn TP Cần Thơ) đọc mấy câu văn trong bài “Nhà mặt tiền” của cô đăng trong một tờ báo để mở đầu câu chuyện “nét xưa phố mới”. Nhà cô Tuyết trong hẻm đường Nguyễn Thị Minh Khai, nhờ dự án bờ kè Rạch Tham Tướng nay đã ra mặt tiền lộ lớn. Chiều chiều, cô giáo về hưu cùng cháu ngoại tản bộ bên bờ kè, ngắm nhìn giàn sử quân tử trổ bông, hương ngát. Những mái nhà lụp xụp ngày nào giờ là dãy phố đông vui, con kinh ô nhiễm hồi trước giờ trong lành. Ký ức về con rạch ngày cũ, về những người hàng xóm dễ thương như chú thợ hàn xì, cô mua ve chai, đôi vợ chồng trẻ bán đồ tạp hóa… và cả người ở - người đi, giờ là một phần nhịp sống đô thị. Cô Tuyết vui vẻ: “Chúng tôi thường bảo nhau, có ai ngờ những người sống trong hẻm như bọn mình lại có ngày ra được mặt tiền. Đúng là có phần không cần gì lo!”.

Đó hẳn cũng là câu chuyện của nhiều người Cần Thơ hôm nay. Phố mới, thanh xuân của một đô thị hiển hiện qua mỗi mái nhà, góc phố. Những dòng kênh, con rạch nước đen nhường chỗ cho đường bờ kè vắt ngang niềm nhớ. Đổi thay nhiều nhưng Cần Thơ vẫn giữ cho mình nét xưa ngày cũ, những ký ức đô thị đẹp đẽ. Cô Tuyết có 34 năm dạy học, trước ở Trường Nữ Trung học Đoàn Thị Điểm, sau chuyển qua dạy ở Trường THPT Châu Văn Liêm cho tới lúc về hưu. Cô giáo Tuyết 73 tuổi đời thì cũng ngần ấy năm gắn bó với phố chợ Cần Thơ. Bởi vậy nhắc tới những dấu xưa phố cũ, nơi nào cô cũng thương quý.

Một góc đường Phan Đình Phùng với mái nhà có dòng chữ “Imprimerie de l’Ouest”.

Cô cháu chúng tôi đi dọc đường Phan Đình Phùng, xưa nơi này có dãy phố 18 căn lẫy lừng một thuở và cô Tuyết có thời gian dài ở 1 trong 18 căn phố ấy. Phố xưa giờ là kỷ niệm, thời gian thì chẳng chờ đợi ai, nhìn những dấu tích của cổng rào, mái ngói nơi dãy phố 18 căn, cô Tuyết nhớ về thuở thanh xuân. Trong số 18 căn ấy giờ chỉ còn 1 căn nguyên vẹn, là tiệm hớt tóc Giang. Anh chủ tiệm chẳng biết nhiều về mái nhà rêu phong, chỉ biết rằng, có lắm người qua lại cứ chỉ nhà mình mà nói: “Hồi đó, nơi này…”.

Lần tìm trong ký ức của những người Cần Thơ cố cựu, mới hay rằng Cần Thơ đã xuất hiện loại hình khu nhà ở phố chợ từ rất sớm. Đó là dãy nhà 18 căn ở đường Phan Thanh Giản (nay là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh), đường Delanoue (nay là đường Phan Đình Phùng) hay dãy nhà 5 căn trong hẻm Hai Địa, đường Phan Thanh Giản (nay là hẻm 18, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh)… Một dấu xưa hẳn cũng không còn nhiều người nhớ đến: Nhà Tằm, hiện là góc đường Ngô Hữu Hạnh - Võ Thị Sáu. Xưa kia người Pháp cho xây nhà để nuôi tằm lấy tơ kéo sợi nên gọi Nhà Tằm. Sau này, Nhà Tằm bị phá bỏ để xây chung cư cho công chức thuê, nay quen gọi là chung cư Ngô Hữu Hạnh. Hay những ai hằng ngày đi ngang đường Phan Đình Phùng, có để ý căn nhà bán đồng hồ phía trên nóc có dòng chữ “Imprimerie de l’Ouest”. “Cảo thơm lần giở trước đèn”, đó là trụ sở của Nhà in Miền Tây, ra đời vào năm 1911, chứng tỏ kỹ nghệ in ấn và truyền thông phát triển rất sớm trên đất Tây Đô.

Đô thị hóa canh tân nhiều thứ, từ diện mạo đô thị, đến nếp sống, nếp nghĩ của thị dân. Có lúc, người ta than phiền Cần Thơ đô thị hóa chưa nhanh. Nhưng với những ai yêu Tây Đô, chậm cũng có cái hay của chậm. Chậm mà chắc, mà vững vàng nền móng, nhân văn. Điều ấy được thể hiện rõ qua những mái nhà xưa, những dấu tích cũ tại trung tâm thành phố hiện đại. Một  ngày rảo bước trên đường Hai Bà Trưng, nghe an yên tiếng chiêng Chùa Ông trong thoang thoảng hương trầm. Đi chợ cổ Cần Thơ trăm năm nhộn nhịp, nhuốm màu rêu phong, du khách nước ngoài cứ xuýt xoa mãi nét đẹp di sản Cần Thơ.

Đường Hàng Dừa, nay là đường Phan Bội Châu.

Bước qua những con phố nhỏ: Duy Tân, Thủ khoa Huân, Phan Bội Châu… bỗng bồi hồi với hình ảnh bà cụ ngồi bán xề trầu cau, miệng móm mém. Và rồi “trầm” những tiệm cà phê ven đường với cà phê pha bằng vợt, với những vị khách đã được chủ quán thuộc lòng từng tánh ý. Họ đã uống ở đây đến vài ba chục năm, chỉ một góc quen, với vài người bạn cũ. Sáng sớm Cần Thơ, thưởng thức cà phê ở những tiệm cà phê không thể bình dân hơn như của bà Tư Điếc đầu chợ An Lạc, dì Hoa đường Thủ Khoa Huân... mới cảm nhận hết an yên thành thị. Quán cà phê của dì Hoa đã gần nửa thế kỷ, từ bà Sáu - mẹ dì lập ra rồi để lại cho cháu con. Ở quán cóc này, những ai là khách quen thì dễ nhận biết lắm. Hễ vừa ngồi xuống là tiếng chủ quán vang lên: “Chú Tiều ly bạc xỉu!”, chẳng cần kêu và lại càng không “menu”… Ở đây bán sự thiệt tình, nét dễ thương và ký ức thiệt là vui vẻ!

Nhà văn Vũ Thống Nhất (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ) trong câu chuyện cùng bằng hữu dẫu có “lạng mấy vòng” thì cũng quay về chuyện Cần Thơ còn giữ mấy con rạch giữa phố, cái cồn giữa sông và những mái ngói cổ kính truyền đời. Với ông, đó cũng là cách để giữ cốt cách Tây Đô, để khẳng định vị thế văn hóa từ xa xưa của một xứ sở. Nhà cổ Bình Thủy, chợ cổ Cần Thơ… là những minh chứng. Hiện tại, đây thực sự là vốn quý để Cần Thơ khai thác thành những sản phẩm du lịch đặc trưng, những hành trình để thương để nhớ cho du khách. “Dĩ nhiên, phải có một cuộc khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng: đâu là giá trị cần bảo tồn, đâu là giá trị cần làm mới… Đó là trách nhiệm của người Cần Thơ hôm nay”, nhà văn Vũ Thống Nhất tâm huyết.

Tết Cần Thơ đẹp lắm. Người Cần Thơ vẫn giữ lệ đi chùa, hái lộc đầu năm. Bàn thờ gia tiên ngày Tết vẫn đậm sắc cổ truyền. Mùa gió chướng mang đến cho Cần Thơ cái lạnh dễ thương, sáng co ro ngồi bên chiếc bàn thấp của tiệm cà phê dì Hoa, cảm nhận vẻ đẹp phố mới quê mình vẫn thơm thảo nét xưa…

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết