Hiện nay, tỷ lệ gia đình TP Cần Thơ sử dụng muối i-ốt trong ăn uống hằng ngày còn thấp, chỉ trên 50%. Qua đó nguy cơ mắc các bệnh bướu cổ, đần độn; các bệnh do rối loạn thiếu i-ốt, đe dọa gia tăng trở lại...
Thiếu i-ốt
 |
Sử dụng muối i-ốt trong chế biến thức ăn hàng ngày để phòng, chống các bệnh do thiếu i-ốt. |
Bà Nguyễn Thị Lan, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ mới mổ bướu cổ xong. Bà Lan cho biết: "Gia đình tôi không biết tác dụng của muối i-ốt nên hằng ngày nêm nếm thức ăn bằng hạt nêm, nước mắm, nước tương... Nếu có nêm muối cũng sử dụng muối thường. Tôi cứ nghĩ mình ăn uống đa dạng, nhiều nhóm thức ăn thì không bị thiếu chất. Ai dè cũng bị thiếu i-ốt, lâu ngày dẫn đến bị bướu cổ. Bây giờ, tôi rút kinh nghiệm, mua muối i-ốt ăn hàng ngày".
Theo bác sĩ Dương Phước Long, Trưởng khoa Sốt rét - Nội tiết, Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, nhiều người cho rằng, việc thiếu i-ốt sẽ gây nên bướu cổ, điều này chỉ đúng một phần. Khái niệm "các rối loạn do thiếu i-ốt" của B. Hetzet đưa ra năm 1983, việc thiếu i-ốt không chỉ gây bướu cổ mà còn nhiều hậu quả khác. Mẹ thiếu i-ốt sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, gây sảy thai, tăng tử vong chu sinh, khuyết tật bẩm sinh, đần độn thể thần kinh (thiểu năng trí tuệ, điếc, câm, liệt cứng 2 chi dưới), đần độn thể phù niêm (thiểu năng trí tuệ, lùn). Thời kỳ sơ sinh, thiếu i-ốt gây thiểu năng tuyến giáp. Thời kỳ trẻ em và thiếu niên, thiếu i-ốt gây thiểu năng tuyến giáp, cơ thể chậm phát triển. Thời kỳ người lớn, thiếu i-ốt gây thiểu năng tuyến giáp, trí tuệ kém phát triển, sức lao động kém. Như vậy, thiếu i-ốt sẽ trầm trọng hơn nếu thiếu ở giai đoạn bào thai và 3 năm đầu đời.
I-ốt quan trọng với sức khỏe nhưng hiện nay, qua điều tra ở TP Cần Thơ, chỉ có trên 50% hộ dân sử dụng muối i-ốt thường xuyên; trong bếp có muối i-ốt. Mức i-ốt niệu trung vị (chỉ số trung gian đánh giá nồng độ i-ốt trong máu) chỉ có 65 mcg/L so với yêu cầu là 100 mcg/L. Theo điều tra của Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, người dân thành phố hiện thiếu muối i-ốt trong cơ thể, do không thường xuyên sử dụng muối i-ốt; tập quán muối dưa, muối cá, làm chao, các loại mắm
không sử dụng muối i-ốt; ít sử dụng cá biển và rong biển. Ngoài ra, do bảo quản muối i-ốt không đúng cách, i-ốt bốc hơi dần theo thời gian.
Sử dụng, bảo quản đúng cách
Mỗi ngày, cơ thể cần khoảng 150mcg i-ốt; trẻ em cần ít hơn, trong khi phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú cần nhiều hơn (khoảng 200mcg). Số lượng này tương đương 5-8g muối i-ốt, không nên dùng nhiều hơn vì ảnh hưởng huyết áp, tim mạch
Số lượng 5-8g muối i - ốt bằng với tổng lượng muối mỗi người ăn hằng ngày. Vì vậy, theo bác sĩ Dương Phước Long, người dân nên nêm tất cả món ăn bằng muối i-ốt. Khi mua muối i-ốt, nên chọn mua muối i-ốt còn nguyên bao bì, còn trong hạn dùng, hạt muối khô trắng, không tạp chất. Khi bảo quản muối i-ốt, nên đậy nắp kín (chai, lọ) hoặc cột lại (bịch ni lông), tránh ẩm ướt, để xa hơi nóng bếp lửa hoặc ánh sáng mặt trời. Hạn chế rang muối i-ốt vì sẽ làm mất i -ốt. Khi mua, để ý hạn dùng, bịch muối càng gần ngày sản xuất thì lượng i-ốt càng nhiều. Ngoài ra, i-ốt có trong nước, rau, thịt nhưng hàm lượng thấp; có nhiều hơn trong cá biển và rong biển. Hàm lượng i-ốt trong rau và thịt gia súc khoảng 30-50mcg/kg tươi; cá sông là 30mcg nhưng cá biển là 800mcg/kg; rong biển còn nhiều hơn. Theo hàm lượng đó, mỗi người cần ăn 1,5kg thịt hoặc rau, 5kg cá sông mỗi ngày mới đủ nhu cầu. Trong khi chỉ cần ăn gần 200gr cá biển là đủ.
Bác sĩ Dương Phước Long lưu ý, một số rau thuộc họ thập tự (bắp cải, củ cải, cải bẹ...) có một số chất kháng giáp trạng thuộc loại chất đường phức hợp (glucozit). Khi ăn vào cơ thể dưới ảnh hưởng các men, chất glucozit bị phân hủy tạo ra các chất thioxyanat và izothioxyanat cản trở việc kết hợp i-ốt của tuyến giáp trạng. Nếu các rau này đem nấu chín, chất kháng giáp trạng sẽ bị phân hủy. Những người bị bệnh bướu cổ do ăn uống thiếu i-ốt, không ăn sống các rau củ họ thập tự.
Bài, ảnh: H.HOA