MAI QUYÊN (Theo Business Insider)
Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) không trực tiếp tham gia xung đột Nga - Ukraine, nhưng cuộc đua giữa các thành viên để tiếp tế và tái vũ trang cho Kiev đang giúp liên minh củng cố sự thống nhất về chính trị lẫn quân sự trên mặt trận đối phó Mát-xcơ-va.

Quân đội từ 6 quốc gia NATO trong một khóa huấn luyện ở Latvia. Ảnh: US Army
Kể từ khi chiến sự bùng phát vào tháng 2, ước tính hàng chục tỉ USD viện trợ an ninh và trang thiết bị quân sự đã chảy từ các nước NATO đến Ukraine. Thời kỳ đầu, nhiều quốc gia thành viên Ðông Âu chủ yếu gửi vũ khí thời Chiến tranh Lạnh sang nước láng giềng. Một mặt là vì lực lượng Ukraine đã quen với những khí tài như vậy. Mặt khác, chính những quốc gia từng nằm trong khối Hiệp ước Warsaw và giờ là thành viên của NATO này vẫn sử dụng vũ khí do Liên Xô thiết kế và cả của Nga ngày nay.
Trước đây, việc thay thế khí tài quân sự của Liên Xô bằng hệ thống hiện đại do phương Tây sản xuất kéo theo những chi phí khổng lồ mà ngân sách các nước Ðông Âu tạm thời chưa thể gánh. Nhưng hiện nay, sau khi đã tài trợ vũ khí cho Ukraine, những quốc gia nói trên được một số thành viên khác bù vào bằng các trang bị chuẩn NATO. Ðơn cử như Ba Lan, quốc gia viện trợ vũ khí cho Ukraine nhiều thứ 2 thế giới, Thủ tướng Mateusz Morawiecki cho biết họ đã nhận được các hệ thống mà Mỹ và Anh cung cấp để thay thế cho trang thiết bị Warsaw chuyển giao cho Kiev. Gần đây, Ðức cũng cam kết gửi một số thiết bị cũ đến những nước viện trợ xe tăng và phương tiện chiến đấu bọc thép do Liên Xô sản xuất cho Ukraine.
Ngoài được hỗ trợ, một số nước NATO trước căng thẳng gia tăng ở châu Âu bắt đầu tìm cách nâng cấp kho vũ khí hiện có. Ðiển hình là Ba Lan, chính quyền Warsaw hồi tháng 7 đã đồng ý mua xe tăng, lựu pháo và cả tiêm kích FA-50 theo thỏa thuận trị giá 14,5 tỉ USD với Hàn Quốc. Tuy là máy bay chiến đấu nội địa Hàn, nhưng nó được phát triển với sự cộng tác của tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ nên Ba Lan có thể phối hợp nhịp nhàng với các đồng minh NATO sử dụng những kiểu máy bay phản lực khác của Lockheed, chẳng hạn như F-16 hoặc F-35.
Theo Giáo sư khoa học chính trị tại Ðại học bang Mississippi (Mỹ) Vasabjit Banerjee, nhu cầu bổ sung vũ khí cho Ukraine và nỗ lực hiện đại hóa kho vũ khí hiện có của các nước thành viên đang tạo ra lực lượng chiến đấu gắn kết hơn trong NATO. Nhờ sự phối hợp tốt hơn về thiết bị, các đồng minh trong khối có thể tích hợp công tác huấn luyện và đồng bộ chiến thuật phòng thủ. Những thay đổi “chưa từng thấy” này giúp củng cố hơn nữa liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu khi sự tương thích về vũ khí và liên kết về chiến thuật khiến các thành viên Ðông Âu khó tách rời NATO - điều mà Nga có thể không lường trước được khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine.
Mỹ, EU tiếp tục hỗ trợ Ukraine
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 22-11 công bố quá trình giải ngân khoản viện trợ kinh tế trị giá 4,5 tỉ USD dành cho Ukraine sẽ bắt đầu được thực hiện trong những tuần tới. Bà cũng đề nghị các nhà tài trợ khác cần đẩy nhanh sự hỗ trợ dành cho Ukraine trong bối cảnh quốc gia Đông Âu đang đang chìm trong xung đột kể từ cuối tháng 2 năm nay.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo Liên minh châu Âu (EU) đã phân bổ thêm 2,5 tỉ euro để hỗ trợ Ukraine. Hôm 9-11, EC đã đề xuất kế hoạch hỗ trợ chưa từng có trị giá 18 tỉ euro dành cho Ukraine. Theo EC, gói viện trợ này sẽ giúp Kiev tiếp tục trả lương và lương hưu, cũng như duy trì hoạt động của các dịch vụ xã hội quan trọng.
|