03/04/2014 - 08:39

NATO ngừng hợp tác với Nga

Ngoại trưởng 28 nước thành viên NATO nhóm họp hôm 1-4. Ảnh: RT

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong cuộc họp cấp ngoại trưởng tại Brussels (Bỉ) hôm 1-4 đã quyết định ngừng mọi hợp tác với Nga trong thời gian 3 tháng nhằm phản đối việc Mát-xcơ-va sáp nhập Crimea, bán đảo vừa ly khai khỏi Ukraina.

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho rằng các động thái quân sự của Mát-xcơ-va khiến NATO không thể tiếp tục các quan hệ bình thường với Nga. Điều này đồng nghĩa với việc Nga sẽ không thể tham gia vào các cuộc tập trận chung với NATO, kể cả cuộc diễn tập giải cứu tàu ngầm dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5 tới.

Tuy vậy, ông Rasmussen cho rằng một số hợp tác quan trọng có thể vẫn tiếp tục như dự án đào tạo nhân lực chống buôn lậu ma túy tại Afghanistan, Pakistan và Trung Á. Ông cũng hy vọng duy trì hợp tác với Mát-xcơ-va trong các sứ mệnh như bảo trì trực thăng của Không quân Afghanistan và xây dựng tuyến đường vận chuyển tại quốc gia này. Bên cạnh đó, NATO và Nga sẽ duy trì liên lạc cấp Đại sứ hoặc cao hơn để thảo luận các biện pháp thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết mối quan hệ tương lai của NATO và Nga sẽ phụ thuộc vào nhiều nhân tố, trong đó có việc Mát-xcơ-va có bắt đầu rút quân khỏi biên giới Ukraina hay không.

Trong cuộc họp hôm 1-4, NATO cũng chỉ thị phác thảo chiến lược tăng cường khả năng phòng thủ, đảm bảo với các nước châu Âu lân cận Ukraina rằng NATO luôn sẵn sàng bảo vệ họ. Các biện pháp này có thể bao gồm việc triển khai binh sĩ và trang thiết bị đến các nước, tổ chức thêm nhiều cuộc tập trận, đảm bảo lực lượng phản ứng nhanh của NATO có thể điều động nhanh hơn và xem xét lại các kế hoạch quân sự.

Ba Lan đã đề nghị NATO đưa 10.000 quân tới đồn trú tuy nhiên đề xuất này vẫn chưa được thông qua. Ông Rasmussen xác nhận rằng NATO gần đây đã tăng cường hiện diện quân sự tại các nước Đông Âu. ITAR-TASS cho biết khối quân sự này cũng vừa đề nghị Roumanie cho tăng gấp rưỡi số lính Mỹ (lên mức 1.500 quân) triển khai tại căn cứ không quân Constanza gần biển Đen. Ngoài việc đưa các máy bay chiến đấu F-15 và F-16 tham gia tuần tra không phận tại vùng Baltic và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Truxtun đến biển Đen, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang cân nhắc điều thêm một tàu chiến đến vùng biển trên để tăng cường các diễn tập của NATO.

THUẬN HẢI (Theo Reuters, AP, ITAR-TASS)

Nga sẽ chuyển sang viện trợ đích danh cho các nước

Đóng góp tài chính của Nga trong hỗ trợ phát triển quốc tế phải có địa chỉ cụ thể về nước được hỗ trợ cũng như về nước hỗ trợ. Đó là tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 1-4 tại phiên họp Hội đồng doanh nghiệp thuộc Bộ Ngoại giao Nga.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, trong thập kỷ qua, Nga có truyền thống tham gia vào việc giúp đỡ các nước có nhu cầu viện trợ, chủ yếu là thông qua các chương trình quốc tế của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD). Ông Lavrov cho rằng điều này cần thay đổi và các nước được hỗ trợ nên biết ai là nhà tài trợ.

Theo ông Lavrov, Nga đang đề ra chính sách quốc gia sao cho đóng góp của Mát-xcơ-va cho chương trình giúp đỡ các nước kém phát triển phải được nổi bật hơn, được ghi nhận như công lao thực tế của Nga trong giải quyết các khó khăn của các nước này và trước hết Nga sẽ đặc biệt quan tâm đến các nước thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).

(TTXVN)

Chia sẻ bài viết