29/02/2024 - 00:19

NATO không có ý định đưa binh sĩ tới Ukraine 

Mỹ và các đồng minh chủ chốt ở châu Âu khẳng định họ không có kế hoạch gửi bộ binh tới Ukraine. Thông tin được đưa ra đã dập tắt những nghi ngờ xung quanh tuyên bố trước đó của Pháp, rằng phương Tây không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào có thể đảo ngược xu hướng cuộc chiến mà Nga đang tiến hành ở Ukraine.

Tổng thống Macron (giữa) tại hội nghị viện trợ Ukraine ở Paris hôm 26-2. Ảnh: Nytimes

Với cuộc xung đột ở Ukraine bước sang năm thứ 3, các nhà lãnh đạo châu Âu đang khẩn trương xem xét giải pháp ngăn chặn Nga giành thắng lợi trên chiến trường Ðông Âu. Ngày 26-2, khoảng 20 nguyên thủ cùng đại diện hàng đầu trong chính phủ nhiều nước châu Âu cùng Mỹ đã tập hợp tại thủ đô Paris trong khuôn khổ hội nghị quốc tế tìm cách mở rộng sự ủng hộ dành cho Kiev. Ðây là lần đầu tiên phương Tây tiến hành một cuộc thảo luận cởi mở như vậy để tăng cường phản ứng của châu Âu khi các bên bắt đầu lo lắng Mỹ cắt giảm viện trợ cho Ukraine. Mối quan ngại càng tăng trước viễn cảnh cựu Tổng thống Donald Trump có thể trở lại Nhà Trắng và thay đổi chính sách của Washington đối với lục địa này.

Hội nghị ở Paris cũng diễn ra vài tuần sau khi nhiều nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) ký các thỏa thuận an ninh song phương 10 năm với Ukraine, gởi đi tín hiệu mạnh mẽ về sự ủng hộ lâu dài của phương Tây.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Nga ngày càng trở nên cứng rắn trên bình diện chính trị cũng như ở chiến tuyến Ukraine. Ðể đảm bảo tương lai châu Âu, ông Macron cho biết không loại trừ biện pháp cần thiết nào miễn có thể ngăn chặn Nga giành ưu thế trong cuộc xung đột hiện nay, kể cả điều bộ binh đến Ukraine. Thể hiện sự răn đe theo chính sách “mơ hồ chiến lược”, Tổng thống Pháp một mặt nói rằng các bên chưa đạt đồng thuận về việc triển khai quân, nhưng ông cũng không cung cấp chi tiết quốc gia nào đang cân nhắc ý tưởng trên. Ngoài ra, Tổng thống Macron tại hội nghị còn kêu gọi châu Âu chuyển từ lời nói sang hành động bằng cách đưa ra những quyết định rõ ràng để xây dựng trụ cột phòng thủ độc lập với Mỹ và coi đây là biện pháp cần thiết khi tương lai an ninh khu vực đang bị đe dọa. Ông nhấn mạnh cuộc chiến Ukraine là “cuộc chiến châu Âu”.

Ukraine lập tức hoan nghênh chủ trương của Tổng thống Macron về hành động chung của phương Tây trong tình thế cấp thiết hiện nay. Trong khi đó, đại diện cấp cao các nước Anh, Ý, Tây Ban Nha, Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và chính NATO đã phủ nhận khả năng đưa bộ binh tham chiến ở Ukraine. Ðặc biệt là Ðức, nước luôn cảnh giác với những động thái có thể kéo liên minh vào xung đột trực tiếp với Nga, đã nói rõ sẽ không có lực lượng bộ binh hoặc binh sĩ nào từ những quốc gia châu Âu hoặc nước đồng minh NATO được điều đến Ukraine. Mỹ cũng tái khẳng định không có kế hoạch triển khai quân đội, thay vào đó Nhà Trắng kêu gọi các nhà lập pháp nhanh chóng phê chuẩn dự luật viện trợ an ninh cho Ukraine.

Về phần mình, Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne đã tìm cách làm rõ bình luận của Tổng thống Macron, rằng ý định cử quân đội không vượt qua “ngưỡng hiếu chiến” mà chỉ bao hàm việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như hỗ trợ rà phá bom mìn, sản xuất vũ khí tại chỗ và phòng thủ mạng.

Bất chấp những tuyên bố trên, Nga nhanh chóng đưa ra cảnh báo xung đột là “không thể tránh khỏi” nếu các lực lượng phương Tây tham gia cuộc chiến của Ukraine chống lại Mát-xcơ-va.

Tuy mâu thuẫn về triển khai quân, Thủ tướng Ðức Olaf Scholz cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu sau đàm phán đã sẵn sàng mua vũ khí từ nước ngoài để tăng tốc viện trợ quân sự cho Ukraine. Với mục tiêu đảm bảo Kiev có thể đàm phán hòa bình và giành chủ quyền lãnh thổ đầy đủ, Tổng thống Macron trước đó đề nghị châu Âu xem xét tăng cường viện trợ tài chính và vũ khí cho Kiev từ cấp độ quốc gia tới khu vực. Ông Macron thừa nhận châu Âu không thực hiện được cam kết cung cấp cho Ukraine một triệu viên đạn. Song, lãnh đạo Pháp tin khu vực có thể tăng cường sản xuất và mua thêm đạn dược từ bên ngoài để giao cho Ukraine như đề xuất của Cộng hòa Séc.

Bên cạnh vấn đề vũ khí, hội nghị còn tập trung vào các lĩnh vực phòng thủ mạng, bảo vệ những quốc gia bị đe dọa trực tiếp bởi các cuộc tấn công của Nga. Phương Tây cũng quyết định lập liên minh để cung cấp tên lửa và bom cho Ukraine tập kích sâu vào phòng tuyến của Nga.

Chia sẻ bài viết