01/03/2025 - 09:49

NATO cam kết viện trợ bổ sung cho Ukraine 

Tái khẳng định mối liên kết mạnh mẽ với Mỹ, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte tuyên bố các thành viên khối quân sự lớn nhất thế giới sẽ tăng cường đầu tư quốc phòng, đồng thời tiếp tục ủng hộ Ukraine thông qua những khoản hỗ trợ tài chính bổ sung.

Tổng thống Mỹ Trump (phải) trong cuộc gặp với Thủ tướng Anh Starmer.

Thông điệp trên được ông Rutte đưa ra sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 27-2, báo hiệu nỗ lực chung của khối quân sự do Mỹ dẫn đầu nhằm đẩy mạnh phòng thủ tập thể và duy trì hỗ trợ quân sự cho Ukraine khi cuộc chiến với Nga tiếp diễn. Trước đó, Tổng Thư ký NATO khẳng định châu Âu sẵn sàng dẫn đầu cung cấp bảo đảm an ninh cho Ukraine.

Trong bài đăng mới trên mạng xã hội X, ông Rutte không nêu con số cụ thể hay danh tính quốc gia NATO nào mà chỉ cho biết các đồng minh đang chuẩn bị thêm hàng tỉ USD viện trợ quốc phòng cho Ukraine. Tháng 1, NATO từng xác nhận liên minh đang thực hiện các mục tiêu trong kế hoạch tài trợ quốc phòng hơn 41 tỉ USD cho Ukraine trong năm 2025. Đầu tuần này, Cao ủy về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Kaya Kallas công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine với gần 21 tỉ USD.

Ngoài viện trợ, ông Rutte cho biết các nước NATO đang tăng cường đầu tư quốc phòng và đóng góp để đảm bảo an ninh. “Châu Âu sẵn sàng tiến lên và mong muốn đầu tư nhiều hơn vào an ninh chung. Các chi tiết cần được bàn định, nhưng cam kết thì rõ ràng” - ông Rutte nói thêm. Theo người đứng đầu NATO, tất cả nước thành viên phải đạt được mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nếu không họ phải giải quyết vấn đề này với Tổng thống Trump.

Cùng ngày, tại buổi tiếp Thủ tướng Anh Keir Starmer ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump dịu giọng về tiến trình hòa bình ở Ukraine khi cho biết đàm phán đang ở giai đoạn quan trọng và đạt nhiều tiến triển hướng tới thỏa thuận chấm dứt xung đột. Ông Trump cũng bày tỏ sự tôn trọng với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi rút lại lời chế giễu chính trị gia này là “nhà độc tài”.

Thủ tướng Pháp Francois Bayrou ngày 27-2 đưa ra đề xuất mới về chi tiêu quốc phòng của Liên minh châu Âu (EU) theo hướng độc lập với các quy định về chi tiêu công của khối này. Ðây được cho là động thái nhằm “cởi trói” cho ngành quốc phòng châu Âu trong bối cảnh có thể bị Mỹ giảm bớt các cam kết đảm bảo an ninh bất kỳ lúc nào.  Tại Hội nghị An ninh Munich đầu tháng này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng nói châu Âu cần loại bỏ quy định về thâm hụt chi tiêu trong lĩnh vực quốc phòng. Theo quy định hiện hành, các nước thành viên EU cần giữ mức thâm hụt chi tiêu công dưới 3% GDP và tổng nợ công không quá 60% GDP. Tuy nhiên, quy định này có thể được đình chỉ trong những trường hợp đặc biệt, mà một ví dụ gần đây là khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, ông Trump không có cam kết chắc chắn nào về hình thức hỗ trợ của Mỹ cho an ninh của Ukraine, vốn được châu Âu coi như “biện pháp dự phòng” để ngăn Nga phát động cuộc tấn công mới vào Ukraine sau bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào. Một mặt, Tổng thống Trump cho biết Washington cởi mở với nhiều yêu cầu nhưng điều trước tiên phải làm là hoàn tất thỏa thuận giữa Nga - Ukraine để chấm dứt chiến tranh. Mặt khác, ông tin tưởng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ giữ lời hứa, qua đó bác bỏ cảnh báo của Thủ tướng Starmer rằng lệnh ngừng bắn mà không có hỗ trợ an ninh của Mỹ sẽ tạo điều kiện để Nga lần nữa tấn công Ukraine.

Với việc không có cam kết chắc chắn từ Mỹ, Thủ tướng Starmer trở thành nhà lãnh đạo thứ hai trong vòng một tuần “tay trắng” rời Washington sau nỗ lực của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thuyết phục ông Trump về phái bộ gìn giữ hòa bình tiềm năng. Trước đó, Tổng thống Macron và Thủ tướng Starmer nhất trí nếu có thể đạt thỏa thuận ngừng bắn, hai nước sẽ cử quân đội tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine để đảm bảo giao tranh không tái diễn. Đặc biệt, nỗ lực của Anh những ngày qua chính là để chứng minh kế hoạch này chỉ hiệu quả khi có sự hỗ trợ của Mỹ cho bộ binh châu Âu thông qua hoạt động giám sát, tình báo trên không cũng như phản ứng nhanh trong trường hợp lệnh ngừng bắn bị vi phạm. Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky và các quan chức châu Âu không ảo tưởng việc quân đội Mỹ tham gia nhiệm vụ như vậy. Ngược lại, các quan chức Nhà Trắng nghi ngờ Anh và Pháp có thể tập hợp đủ quân trên khắp khu vực để triển khai lực lượng đáng tin cậy tới Ukraine.

Trong khi bất đồng trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương chưa giải quyết, thế giới đang theo dõi sát sao cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine Zelensky tại Nhà Trắng trong ngày 28-2 (giờ Mỹ) để thảo luận giải pháp tiềm năng cho cuộc chiến với Nga. Quan trọng hơn nữa là thỏa thuận khoáng sản mang tính bước ngoặt nhằm tài trợ cho công cuộc tái thiết đất nước. Nhà Trắng coi thỏa thuận mới này là cơ hội để Kiev hoàn trả viện trợ thời chiến cho Mỹ, trong khi Ukraine chỉ chấp nhận để Washington tiếp cận nguồn tài nguyên trong nước khi có các đảm bảo an ninh cụ thể. Hiện Tổng thống Zelensky chưa rõ loại đảm bảo an ninh nào phù hợp, nhưng ông vẫn ủng hộ Ukraine trở thành thành viên NATO. Ngược lại, Tổng thống Trump và các quan chức Mỹ tin rằng thỏa thuận kinh tế nếu được thực hiện, tự nó sẽ mang lại biện pháp an ninh cho Ukraine vì sẽ không có ai đụng chạm đến địa phương nơi có các khoản đầu tư của Washington.

MAI QUYÊN (Theo AFP, AP)

 

Chia sẻ bài viết