Việc CHDCND Triều Tiên phóng thành công tên lửa đẩy Unha-3 tầm xa đưa vệ tinh thời tiết lên đúng quỹ đạo Trái đất sáng 12-12, theo các nhà phân tích, đã nâng cao vị thế của Đại tướng Kim Jong-un không chỉ trong nước mà cả khu vực và quốc tế.
Hãng tin Mỹ AP cho biết Bắc Triều Tiên đã trở thành một trong số ít các quốc gia phóng thành công vệ tinh vào không gian từ trên lãnh thổ riêng của nước mình. Ngay cả Hàn Quốc, nơi có nền kinh tế lớn hơn gấp 20 lần nước láng giềng phía Bắc, dù đã rất nỗ lực nhưng đã ít nhất hai lần thất bại trong việc phóng rốc-két Naro-1.
Vị thế của nhà lãnh đạo trẻ
Theo tờ Guardian của Anh, thành công của vụ phóng tên lửa đã khôi phục uy tín của ông Kim Jong-un sau lần thất bại hồi tháng 4-2012, đồng thời tăng cường vị thế của nhà lãnh đạo trẻ được coi là ít kinh nghiệm trên chính trường này. Sau thời điểm đó, ông Kim Jong-un đã thay hàng loạt tướng lĩnh quân đội từ "triều đại" người cha quá cố Kim Jong-il bằng những người mà ông tin rằng có thể tạo dựng một chế độ theo cách nhìn riêng. Thời báo Los Angeles (Mỹ) ngày 13-12 cho rằng sự thay đổi đó đã khẳng định quyền lãnh đạo tối cao của đảng Lao động Triều Tiên trước quân đội nước này. Người dượng đầy quyền lực Jang Song Taek dường như cũng đã phục tùng mệnh lệnh của vị nguyên thủ quốc gia trẻ tuổi nhất thế giới.
Koh Yoo-hwan, giáo sư nghiên cứu về Bắc Triều Tiên của Đại học Dongguk ở Seoul, nhận định: "Kim Jong-un là nhà lãnh đạo quá trẻ, nhưng ông ta dường như đã khẳng định được vị thế của mình. Và với sự thành công của vụ phóng tên lửa, ông ta đã gặt hái nhiều lợi thế bên trong lẫn quốc tế. Ông ta sẽ đảm bảo sự đoàn kết của nhân dân, đồng thời tăng cường vị thế trên bàn đàm phán với Mỹ". Dư luận phương Tây rồi đây sẽ nhìn và ứng xử với ông Kim Jong-un một cách nghiêm túc hơn. Tạp chí Forbes của Mỹ mới đây cũng đã xếp ông Kim Jong-in ở vị trí thứ 44 trong danh sách 71 nhân vật quyền lực nhất thế giới.
|
Tên lửa đẩy tầm xa Unha-3 đã nâng uy tín của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: Kyodo/AP |
Sau vụ phóng tên lửa thành công, một công dân ở Thủ đô Bình Nhưỡng tên là Ham Myong-son nói với AP rằng anh ta cảm thấy tự hào là người Triều Tiên. Còn ông Mun Su-kyong nói đây là "niềm hãnh diện trước thế giới". Công dân Rim Un-hui thì bày tỏ: "Tôi tin tưởng rằng đất nước của chúng tôi sẽ mạnh mẽ và thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của Kim Jong-un".
Khác với người cha Kim Jong-il, ông Kim Jong-un đã cam kết ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (chứ không phải chính sách "quân đội trước tiên") nhằm không để tái diễn nạn đói như hồi những năm 1990 khiến 10% dân số thiệt mạng. "Quyết tâm mạnh mẽ nhất của đảng ta là không để nhân dân đói một lần nữa"- ông Kim Jong-un đã nhấn mạnh như vậy trong bài phát biểu đầu tiên hồi giữa tháng 4-2012. Ông cũng cam kết xây dựng "một đất nước cường thịnh", dù khoảng 1/3 dân số đang bị suy sinh dưỡng và thu nhập bình quân trên đầu người không hơn 2.000 USD/năm.
Mỹ và đồng minh phải dè chừng
Việt Nam kêu gọi các bên liên quan hành động có trách nhiệm
Hôm qua, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Triều Tiên phóng vệ tinh, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ:
“Lập trường của Việt Nam về vấn đề này đã được nói rõ trong trả lời ngày 5-12 của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao. Việt Nam lấy làm tiếc về vụ phóng ngày 12-12 của Triều Tiên và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, hành động có trách nhiệm, tuân thủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực”.
(TTXVN) |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland lên án vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên bất chấp mọi lời cảnh báo của cộng đồng quốc tế là "hành động khiêu khích ở mức độ cao, đe dọa an ninh khu vực" và phải hứng chịu "những hậu quả" khi Washington bắt đầu tham vấn các đồng minh châu Á và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta thận trọng cho rằng Mỹ phải tìm hiểu rõ khả năng công nghệ của Bắc Triều Tiên bằng việc nghiên cứu vật thể được phóng lên quỹ đạo. Ông tuyên bố dù Bình Nhưỡng có đạt những bước tiến về công nghệ quân sự như vậy đi chăng nữa thì Washington vẫn đủ khả năng ngăn chặn một cuộc tấn công bằng tên lửa của Bắc Triều Tiên. Doug Bandow, nhà nghiên cứu ở Viện Cato (Mỹ), cho rằng hành động thử tên lửa của Bình Nhưỡng thật ra đâu có gì mới, chỉ khác là ở mức độ thành công.
Tại khu vực Đông Bắc Á, Hàn Quốc là nước quan ngại nhất vụ phóng tên lửa thành công của miền Bắc. Tuy nhiên, theo AP, dù còn quá sớm để đoán trước ai sẽ đắc cử tổng thống xứ Hàn, nhưng hai ứng viên hàng đầu Park Geun-hye và Moon Jea-in đều đồng ý rằng Seoul cần tăng cường đối thoại và viện trợ cho Bình Nhưỡng.
Trung Quốc, dù bị CHDCND Triều Tiên phớt lờ lời kêu gọi hoãn kế hoạch phóng vệ tinh, đã tuyên bố ủng hộ quyền của Bình Nhưỡng "khai thác không gian vì mục đích hòa bình".
KIẾN HÒA (Tổng hợp)