08/03/2018 - 15:49

Nâng niu, giữ gìn hồn Việt 

Áo dài là một trong những biểu tượng văn hóa đặc sắc của người Việt Nam. Cùng với tình yêu dành cho áo dài, bàn tay khéo léo của những người thợ may đã ngày càng tôn vinh giá trị văn hóa của trang phục truyền thống này...

Con gái anh Vinh (chủ nhà may Thiết Lập) dù mới 3 tuổi nhưng đã có sự thích thú rõ rệt với chiếc máy may

Gặp “phù thủy của những đường cong”

Đến nhà may Thiết Lập (số 286 Bis đường Pasteur, quận 3, TPHCM), nhìn qua bộ sưu tập được trang trí tại cửa tiệm mới hiểu hết vì sao nơi đây lại nổi danh là “phù thủy của những đường cong”. Từng chiếc áo dài được chính ông chủ nhà may - anh Nguyễn Văn Vinh - cắt, may và thiết kế từng họa tiết.

“Mỗi khi cầm kéo để cắt một bộ áo dài, tôi đều đặt hết tâm mình vào đấy. Hình ảnh người phụ nữ sẽ mặc chiếc áo dài ấy hiện lên trong đầu tôi, người ấy mập hay ốm, cao hay lùn, khuyết điểm nằm ở đâu và tôi cần nhấn nhá ở điểm nào để giúp tôn lên nét duyên dáng, nền nã của người mặc”, anh Vinh chia sẻ.

Anh Vinh bảo rằng, phụ nữ Việt Nam thường có chiều cao khiêm tốn, hơi tròn và áo dài có thể giúp họ che được những khuyết điểm, cũng như tôn lên nét quyến rũ, thanh lịch và nhất là có thể ăn gian chiều cao. Bằng cái tâm của mình và sự chỉ dạy tỉ mỉ của người mẹ mà 30 năm nay, anh Vinh đã tiếp tục giữ vững thương hiệu áo dài Thiết Lập trong lòng phụ nữ.

Không chỉ trung thành với những mẫu áo dài truyền thống, anh Vinh còn cập nhật các xu hướng mới của áo dài để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Thế nhưng, dù có theo thời đại, chiếc áo dài được may từ Thiết Lập luôn giữ được cái hồn của chiếc áo dài truyền thống. Với anh Vinh, sự cách tân sẽ được thể hiện từ eo trở lên, còn phần dưới vẫn phải là hai tà áo dài thướt tha. “Nét truyền thống, linh hồn của chiếc áo dài chính là sự quyến rũ của hai tà áo. Mong muốn lớn nhất của tôi là mỗi phụ nữ khi khoác lên mình bộ áo dài thì sẽ thấy tự tin hơn, chứ không phải là mặc cho có mặc”, anh Vinh bày tỏ.

Trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Văn Thủ (quận 1, TPHCM), có một tiệm may không đề bảng hiệu, người may quen gọi đây là tiệm may cô Lang. Theo chị Lê Thị Ngọc Mai (con dâu bà Lang, người kế nghiệp mẹ chồng) kể, bà Lang mở tiệm may này khi mới 20 tuổi và đã cặm cụi với đường kim, mũi chỉ đến khi 73 tuổi mới chịu “nghỉ hưu”. 

Tay nghề của bà Lang được khách hàng truyền tai nhau là người mập khi mặc chiếc áo dài bà may sẽ thấy ốm hơn và người ốm sẽ thấy đầy đặn hơn. Chị Mai cho biết từ khi về làm dâu và sau 20 năm theo học nghề mẹ chồng, chị luôn được bà chỉ dạy: phải kỹ lưỡng, chăm chút từng li, từng đường may, phải nhìn dáng khách xem vai, ngực, eo, hông ra sao để có cách may phù hợp. Và nhất là phải nghĩ tới cảm giác của người mặc. Chính cặp mắt nhà nghề cùng cái tâm của người thợ may đã giúp những bộ áo dài như được “phù phép”, tôn thêm dáng cho người mặc.

Áo dài còn, hồn Việt còn

Có một nữ doanh nhân trẻ, mỗi lần xuất hiện trong các buổi hội họp hoặc gặp đối tác nước ngoài, chị đều chọn chiếc áo dài truyền thống làm trang phục. “Mặc áo dài không chỉ giúp tôi tôn dáng, mà chính là để truyền tải hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế”, chị Pang Mỹ Linh, Tổng giám đốc Công ty Linh Pang, cho biết. Với chị, giữa bao trang phục tân thời, áo dài vẫn có vị thế rất cao và rất riêng. Nhất là áo dài truyền thống với giá trị được khẳng định từ hàng trăm năm trước. Chính chiếc áo dài đã giúp chị thật nổi bật trong các sự kiện và bạn bè quốc tế dễ dàng nhận ra chị - một cô gái Việt Nam dịu dàng.

Không phải đến khi là đại sứ áo dài năm 2018, Nghệ sĩ ưu tú Kim Xuân mới có tình yêu với chiếc áo dài. Mà từ khi còn là cô nữ sinh cấp 2, nghệ sĩ Kim Xuân đã mê mẩn với chiếc áo thướt tha ấy. “40 năm rồi, tình yêu đối với chiếc áo dài truyền thống vẫn cháy rực trong tôi. Đôi khi tôi chỉ mặc một chiếc áo dài bình thường, nhưng người đối diện đã thấy tôi đẹp hơn”, nghệ sĩ Kim Xuân tự hào chia sẻ.

Nhiều người thường nghĩa nam giới không hợp với áo dài, nhưng nếu nhìn thấy Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc mặc áo dài, mọi người sẽ suy nghĩ lại. Nét mạnh mẽ, khỏe khoắn, năng động thể hiện từ hồn chiếc áo dài đến cách phối với quần giúp nghệ sĩ Thành Lộc thêm tự tin tại các sự kiện.

Nói về lý do thường xuyên chọn áo dài làm trang phục, nghệ sĩ Thành Lộc bảo: “Tôi từng nghe nói “Áo dài còn, hồn Việt còn” và điều này đúng khi nhiều lần ở nước ngoài, tôi được nhận ra là người Việt Nam qua chiếc áo dài mặc trên người. Vậy đó, tà áo dài giúp ta nhận ra nhau và xích lại gần nhau”. Với ý thức giữ gìn “hồn Việt”, điều trăn trở của nghệ sĩ Thành Lộc, Kim Xuân chính là những chiếc áo dài ngày nay đã bị cách tân quá mức, khiến cho chiếc áo trông không còn thướt tha, làm mất đi giá trị truyền thống được lưu truyền bao đời nay của dân tộc.

“Hồi đó mẹ tôi cứ trăn trở vì lo không có người kế nghiệp, rồi khi bà mất sẽ lấy ai may áo dài cho các cô dâu, ai sẽ giúp những người phụ nữ bình dân, không có điều kiện đến các nhà may lớn, có được chiếc áo dài duyên dáng. Bà cũng bảo, mỗi phụ nữ cần có một chiếc áo dài để dù treo trong tủ hay mặc lên người cũng sẽ giúp ta nhận ra giá trị của người phụ nữ Việt Nam. Tình yêu áo dài trong tôi đã được bà truyền dạy bằng cái tâm như thế”, chị Mai tâm sự. Chính vì vậy mà dù giá may đã rất mềm, nhưng từ thời bà Lang đến chị Mai, những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đều được giảm giá một cách rất ý nhị. Chị Mai cười bảo: “Ừ, chỉ là để mọi phụ nữ đều có điều kiện mà mặc chiếc áo dài thướt tha, xinh đẹp”.

Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng

Chia sẻ bài viết