05/01/2018 - 20:26

Năng động đón đầu nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản 

Trong 5 năm trở lại đây, TP Cần Thơ có nhiều nỗ lực trong mời gọi thu hút đầu tư từ Nhật Bản và đã tiếp đón nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm hiểu thông tin, môi trường đầu tư của thành phố. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đã và đang quan tâm nhiều về “điểm đến” Cần Thơ. Thành phố cũng có bước chuẩn bị bài bản là xây dựng 1 khu công nghiệp (KCN) dành mời gọi các doanh nghiệp Nhật Bản vào đầu tư trên địa bàn.  

Trong năm 2017, UBND TP Cần Thơ giao cho Quỹ Đầu tư Phát triển TP Cần Thơ dành 42,9ha đất tại KCN Hưng Phú I (Cụm A) để xây dựng thành KCN Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản nhằm đón đầu làn sóng doanh nghiệp Nhật đến đầu tư vào thành phố. Ông Lê Văn Thống, Giám đốc Quỹ đầu tư Phát triển TP Cần Thơ, cho biết: KCN Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản nằm trong KCN Hưng Phú I (cụm A), đã được giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích và đang thi công cơ sở hạ tầng, như: đường giao thông, cây xanh, hệ thống cấp thoát nước, cấp điện và chiếu sáng, hệ thống thu gom nước thải… Dự kiến, trước Tết Nguyên đán 2018, cơ sở hạ tầng của KCN hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản sẽ cơ bản hoàn thành. “KCN này nằm giữa 2 cảng lớn là Cảng Cái Cui của Vinalines và Cảng Tân Cảng-Cái Cui của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa đi nội địa lẫn quốc tế” - ông Thống cho biết.  

Đoàn công tác của TP Cần Thơ trong chuyến công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản. Ảnh: CTVĐoàn công tác của TP Cần Thơ trong chuyến công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản. Ảnh: CTV

Theo quy hoạch, KCN Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản sẽ là nơi thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến từ Nhật Bản vào hoạt động. Đây là KCN công nghệ cao và hiện đại với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ đảm bảo tiêu chuẩn Khu Công nghiệp xanh. Các lĩnh vực được thuê đất để sản xuất kinh doanh tại KCN Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản bao gồm tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà pháp luật không cấm. Trừ 9 ngành sau: nhuộm và thuộc da; sản xuất tấm lợp có amiăng; chế biến nhớt và mỡ cặn; sản xuất bột giấy và giấy (ngoại trừ sản xuất giấy từ giấy vụn); sản xuất có chất độc hại ra môi trường như Nicken, Crom, chì,…; sản xuất bột cá; chế biến phụ phẩm thủy hải sản; chế biến thức ăn gia súc; đóng mới và sửa chữa tàu. Thành phố cũng xác định các ngành nghề được ưu tiên khuyến khích thu hút vào KCN này, bao gồm: điện, điện tử, tin học,…; cơ khí; dược phẩm.

Theo một số đơn vị, tổ chức xúc tiến đầu tư Việt Nam-Nhật Bản, các doanh nghiệp Nhật đang có xu thế chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam. Ông Abe Masayuki, Giám đốc Công ty VAIO (chuyên về hợp tác xúc tiến đầu tư nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản), chia sẻ: “TP Cần Thơ với vị trí trung tâm vùng ĐBSCL sẽ có nhiều cơ hội đón đầu làn sóng đầu tư từ Nhật Bản và chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, KCN Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản cần được phân lô thành diện tích nhỏ để phù hợp quy mô sản xuất và nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cần nhanh chóng xây dựng một số nhà xưởng mẫu trong khu để phục vụ doanh nghiệp Nhật vào tham quan hoặc vào hoạt động ngay khi có nhu cầu”. Theo ông Abe Masayuki, Công ty VAIO sẽ hỗ trợ TP Cần Thơ kết nối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo, gia công cơ khí chính xác... để mời gọi đầu tư vào KCN hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản. Trong tháng 1 và tháng 2-2018, Công ty VAIO sẽ tổ chức hoạt động giới thiệu về KCN Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản tại một số tỉnh của Nhật Bản để hỗ trợ thành phố thu hút đầu tư vào KCN này. Khi KCN có doanh nghiệp vào hoạt động, VAIO sẽ tiếp tục hỗ trợ kết nối tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm cho các doanh nghiệp này.

KCN Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản là KCN duy nhất hiện nay của TP Cần Thơ được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng trước khi mời gọi nhà đầu tư. Cách làm này đã giúp thành phố khắc phục được tình trạng khi có nhà đầu tư vào mới tiến hành giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng rồi mới bàn giao cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp Nhật Bản nếu chọn đầu tư tại đây sẽ rất thuận lợi vì rút ngắn thời gian đầu tư nhà xưởng. Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Trưởng ban Quản lý Các khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, chia sẻ: Hiện nay, nhiều KCN của thành phố gặp khó vì không có sẵn đất sạch và hạ tầng hoàn thiện. Chủ đầu tư giải phóng mặt bằng theo tình trạng “da beo” nên khi nhà đầu tư thứ cấp vào tìm hiểu thông tin thường ngán ngại do không thể vào hoạt động ngay. Vì thế, KCN Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản được đầu tư hạ tầng hoàn thiện hứa hẹn sẽ giữ chân được nhà đầu tư. Đặc biệt, nếu KCN Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản thu hút doanh nghiệp Nhật Bản hiệu quả, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp thành phố sẽ đề xuất thành phố triển khai thêm mô hình KCN đầu tư sẵn hạ tầng và mời gọi các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc vào đầu tư.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống khẳng định: Thời gian qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong mời gọi đầu tư, nhất là từ Nhật Bản. Thực tế cho thấy, năm nào thành phố cũng có đoàn ra, đoàn vào để xúc tiến đầu tư nhưng hiệu quả chưa như mong đợi. Do đó, thành phố chủ động đầu tư hoàn thiện KCN hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản nhằm trực tiếp mời gọi các doanh nghiệp Nhật Bản vào hoạt động. Hướng đến kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (1973-2018), thành phố đã giao Cadif nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng, nhà xưởng mẫu để đưa vào khánh thành trong tháng 4-2018. Đồng thời, thành phố sẽ phối hợp và tranh thủ sự hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức xúc tiến từ Nhật Bản để kết nối, tìm kiếm, mời gọi doanh nghiệp Nhật Bản vào hoạt động trong KCN hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết