05/08/2017 - 09:43

Nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục

Ngày 4-8, tại Phú Thọ, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai nhiệm vụ năm học 2017 – 2018 bậc tiểu học.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, năm học 2017-2018, cần đẩy mạnh công tác rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở vật chất; nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.

Hiện nay, cơ sở vật chất đối với giáo dục tiểu học tương đối tốt nhưng vẫn còn 30% học sinh chưa được học 2 buổi/ngày, dẫn đến học sinh phải học ghép hoặc bỏ học.

Cùng với sự hỗ trợ kinh phí một phần của Trung ương, các địa phương cần chủ động rà soát, tham mưu để đầu tư, xã hội hóa trong đầu cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.

Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải chấn chỉnh công tác dạy thêm, học thêm; chấm dứt tình trạng dạy chữ cho học sinh trước khi vào lớp 1; nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ giáo viên, khắc phục tình trạng bệnh thành tích, làm đẹp học bạ, khen tràn lan đối với bậc tiểu học.

Năm học 2017-2018, bậc giáo dục tiểu học tiếp tục chỉ đạo đổi mới, đánh giá học sinh tiểu học, lựa chọn và triển khai các thành tố tích cực của các mô hình giáo dục tiên tiến, các phương pháp dạy học tích cực của một số nước trên thế giới có nền giáo dục phát triển.

Cùng với đó đẩy mạnh và nâng cao chất lượng dạy và học Ngoại ngữ, Tin học, đặc biệt là tiếng Anh. Tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành một cách hợp lý; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Các địa phương xây dựng cơ sở vật chất để 100% học sinh được học 2 buổi/ngày.

Năm học 2016 – 2017, cả nước có trên 15 nghìn trường tiểu học, trong đó trường tiểu học công lập chiếm 99%, giảm 173 trường so với năm học trước, do nhiều địa phương đã quy hoạch lại mạng lưới trường lớp cho phù hợp với điều kiện địa phương.

Các địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ nhằm tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày, hiện nay tỷ lệ này là 71%. Phong trào xây dựng trường chuẩn quốc gia đã đạt kết quả tích cực với 55%.

Các địa phương đã vận dụng nhiều hình thức tổ chức dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, gắn kiến thức học trong nhà trường với thực tiễn, tăng cường kỹ năng sống; quan tâm, nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Tạ Văn Toàn (TTXVN)

Chia sẻ bài viết