09/01/2019 - 11:27

Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân nông thôn là ưu tiên số một 

 

Giai đoạn 2016-2020 đánh dấu công cuộc xây dựng nông thôn mới (XDNTM) TP Cần Thơ bước sang giai đoạn mới theo hướng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng trong việc thực hiện từng tiêu chí. Từ năm 2016 đến nay mặc dù gặp không ít khó khăn, song XDNTM của thành phố vẫn đảm bảo tiến độ. Đến cuối năm 2018, thành phố có 33/36 xã và 1 huyện (Phong Điền) đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, hoàn thành mọi thủ tục trình Trung ương sớm công nhận huyện Vĩnh Thạnh đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng điều phối XDNTM TP Cần Thơ, cho biết:

Điểm nhấn XDNTM của thành phố thời gian qua là sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của người dân về Chương trình. Nhiều hộ gia đình đã tự nguyện tham gia hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc; sôi nổi đóng góp ngày công lao động làm cầu, đường; chỉnh trang nhà cửa, cải tạo cảnh quan môi trường sáng-xanh-sạch-đẹp… Chính sự đồng thuận này, thành phố đã có những “điểm son” đáng ghi nhận trong quá trình thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Một số tiêu chí có tỷ lệ hoàn thành cao có thể kể đến như: thủy lợi, điện (36/36 xã đạt); giao thông, nhà ở dân cư (34/36 xã), trường học (32/36 xã)...

Ông vui lòng chia sẻ bài học kinh nghiệm từ công cuộc XDNTM của thành phố thời gian qua ?

- Trước hết, phải có sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương để huy động mọi nguồn lực đầu tư XDNTM. Đây là yếu tố quyết định trong việc chỉ đạo, điều hành để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Thời gian qua, thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nâng cao lợi nhuận. Từ đó, tạo nguồn thu đóng góp thực hiện các hạng mục, công trình dự án phục vụ XDNTM tại địa phương. Để đa dạng hóa nguồn lực XDNTM, thành phố linh hoạt lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án để đầu tư các công trình phục vụ nông thôn mới.

Trong từng giai đoạn, phải xác định được nội dung, tiêu chí trọng tâm, trọng điểm cần tập trung thực hiện. Từ đó phân kỳ đầu tư, bố trí vốn và chỉ đạo tổ chức thực hiện hợp lý, đúng kế hoạch đề ra. Đặc biệt, ưu tiên phân bổ vốn hỗ trợ các xã có điều kiện về đích sớm để dồn sức hoàn thành trước. Có thể nói, để XDNTM thành công cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt giữa phát triển sản xuất với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giải quyết tốt an sinh xã hội, bảo vệ môi trường nông thôn...

Người dân xã nông thôn mới Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh thu hoạch cá tra.

Người dân xã nông thôn mới Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh thu hoạch cá tra.

Hiện tại, công tác XDNTM của thành phố có gặp phải khó khăn gì không, thưa ông?

- Cái khó nhất trong XDNTM là huy động nguồn lực để thực hiện các tiêu chí. Vốn thực hiện Chương trình XDNTM hiện nay của thành phố không nằm trong danh mục được Trung ương phân bổ mà do thành phố tự điều tiết nên việc đầu tư cho các địa phương chưa đáp ứng đủ nhu cầu, phân bổ vốn về các huyện chưa kịp thời. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, người dân chưa hiểu hết ý nghĩa của Chương trình, coi XDNTM là nhiệm vụ của chính quyền các cấp, vốn hoàn toàn do Nhà nước hỗ trợ nên đã ảnh hưởng đến tiến độ chung. Phần lớn các xã XDNTM trên địa bàn thành phố có xuất phát điểm thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên khả năng huy động vốn trong dân gặp không ít trở ngại.

Xác định doanh nghiệp giữ vai trò “đòn bẩy” trong XDNTM, thời gian qua, thành phố chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thực sự thiết tha đầu tư vào lĩnh vực này không nhiều. Nguyên nhân chính do những chính sách chưa thực sự hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu, lợi nhuận đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không nhiều lại rủi ro cao... nên doanh nghiệp còn e ngại.

Thời gian tới, Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM ở TP Cần Thơ tập trung vào những công tác trọng tâm nào, thưa ông?

- Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 75% số huyện được Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Mỗi xã của thành phố đạt trung bình 19 tiêu chí vào năm 2020. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn tiếp tục được cải thiện với thu nhập bình quân đầu người: 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo các xã dưới 2%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khu vực nông thôn đạt 85% trở lên; cảnh quan môi trường thông thoáng, sạch sẽ, 85% người dân được sử dụng nước sạch…

Để đạt được mục tiêu đề ra, mỗi địa phương cần xác định những tiêu chí mang tính đột phá, tạo điều kiện để thực hiện các tiêu chí khác. Trong đó tập trung cho các tiêu chí liên quan phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Đây là ưu tiên số một. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, tăng giá trị hàng hóa nông sản. Đồng thời, lồng ghép các Chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn để giúp các hộ nông dân nghèo tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững. Mỗi xã nên chọn 1-3 cây trồng, vật nuôi, ngành nghề có triển vọng để xây dựng mô hình đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả.

Về phía thành phố cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những chính sách ưu tiên đầu tư cho hạ tầng nông thôn, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu... Đặc biệt, phải hoàn thiện chính sách khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa nông dân với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Các bộ, ngành Trung ương cần mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng đưa vốn về nông thôn nhằm giúp người dân ổn định sản xuất. Song song đó, đa dạng hóa việc huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước (vốn ODA, các định chế tài chính…) phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, giao thông, thủy lợi và công tác xóa đói giảm nghèo khu vực nông nghiệp, nông thôn...

Xin cảm ơn ông!

MỸ THANH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết