22/06/2024 - 17:51

Nâng cao năng lực xử trí cấp cứu đột quỵ cho gần 1.000 điều dưỡng 

(CT) - Ngày 22-6, tại TP Cần Thơ,  Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phối hợp chương trình Chăm sóc đột quỵ - ANGELS Việt Nam tổ chức Hội nghị điều dưỡng đột quỵ toàn quốc chuyên đề "Xử trí cấp cứu đột quỵ thiếu máu não".

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: H.HOA

Các chuyên gia đến từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện E cùng gần 1.000 đại biểu cả nước đến tham dự trực tiếp và trực tuyến. Đây lần đầu tiên hội nghị được tổ chức tại TP Cần Thơ. Ngoài trình bày của các chuyên gia, hội nghị còn có các phiên thực tập: tiếp nhận và điều trị bệnh nhân đột quỵ; nhận diện và xử trí bệnh nhân trong giai đoạn tối cấp; chăm sóc bệnh nhân sau giai đoạn tối cấp; xử trí những tình huống đặc biệt thường gặp trên lâm sàng...

Bác sĩ CK II Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết: Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Nếu không được tái tưới máu kịp thời, cứ mỗi phút sẽ có 2 triệu tế bào não chết đi mà không thể phục hồi. Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, với gần 200.000 ca đột quỵ mắc mới mỗi năm, đã trở thành gánh nặng cho ngành y tế và xã hội.

Điều dưỡng là người đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân, nhận diện đột quỵ và khởi động quy trình cấp cứu đột quỵ. Bên cạnh đó, còn chăm sóc bệnh nhân sau giai đoạn tối cấp một cách toàn diện, giúp họ vượt qua bệnh tật và nhanh chóng bình phục. Vì vậy, điều dưỡng viên phải là những người có chuyên môn, kỹ năng, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Hội nghị được tổ chức nhằm nâng cao năng lực chuyên môn trong công tác tiếp nhận, xử trí, điều trị và chăm sóc bệnh nhân đột quỵ.

Chương trình ANGELS (Acute Networks Striving for Excellence in Stroke - Mạng lưới Chăm sóc cấp cứu phấn đấu điều trị chuẩn đột quỵ) là chương trình mang tính toàn cầu được triển khai bởi Công ty Boehringer Ingelheim International GmbH phối hợp Hội Đột quỵ châu Âu và Hội Đột quỵ Thế giới tại châu Âu. Năm 2017, chương trình bắt đầu được triển khai tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Sau 6 năm triển khai kỹ thuật tiêu sợi huyết lần đầu tiên, 130 đơn vị đủ điều kiện thực hiện điều trị đột quỵ trên toàn quốc, tăng gấp 7 lần so với giai đoạn khởi đầu. Bên cạnh đó, chương trình ANGELS đã phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế để triển khai mạng lưới điều trị đột quỵ, phấn đấu đạt 350 đơn vị.

Tin, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết