16/12/2009 - 09:53

PHIÊN HỌP 26 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Nâng cao hơn nữa vai trò của các cơ quan của Quốc hội trong hoạt động thẩm tra, phản biện

* Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật tại Thái Nguyên

Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 26 của UBTVQH khóa XII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, phiên họp này diễn ra từ 15-19/12 để thảo luận, quyết định một số vấn đề quan trọng như: Xem xét, đánh giá kết quả kỳ họp thứ 6 QH khóa XII, rút kinh nghiệm để chuẩn bị tốt hơn những kỳ họp sau và cho ý kiến bước đầu về hướng chuẩn bị kỳ họp thứ 7. UBTVQH cũng cho ý kiến về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau trong 1 số luật; xem xét dự án Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu bay; nghe báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết của QH về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, TANDTC, VKSNDTC; phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ năm 2010; tình hình quản lý, sử dụng ngân sách phục vụ các hoạt động của QH năm 2009; quyết định phân bổ ngân sách phục vụ các hoạt động của QH. UBTVQH sẽ bàn và quyết định chương trình công tác 2010; thông qua chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế năm 2010 của các cơ quan của QH.

Theo Tờ trình của VPQH về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, QH khóa XII, dự kiến sẽ có 12 dự án luật và Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 sẽ được trình QH thông qua tại kỳ họp này. QH cũng sẽ xem xét các vấn đề kinh tế-xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác như: Giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học; các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC...VPQH đề nghị UBTVQH tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc việc tiếp thu chỉnh lý các dự thảo luật trên cơ sở ý kiến của các đại biểu QH, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng chuẩn bị các dự án; các cơ quan của QH sớm tiếp cận thẩm tra trình UBTVQH cho ý kiến. VPQH cũng đề nghị UBTVQH chỉ đạo việc nghiên cứu, đề xuất việc cải tiến cách thức trình bày các tờ trình, báo cáo để tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả...

Rút kinh nghiệm về kỳ họp, UBTVQH nêu lên một số vấn đề cần được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới như: Cương quyết đưa ra khỏi chương trình những nội dung chưa được chuẩn bị kỹ, không đảm bảo chất lượng; nâng cao hơn nữa vai trò của các cơ quan của QH trong hoạt động thẩm tra, phản biện, đề xuất xử lý những vấn đề còn ý kiến khác nhau, các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của QH. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cần được tiếp tục cải tiến, khắc phục một số hạn chế trong hỏi và trả lời tại kỳ họp sắp tới; chủ động đôn đốc, theo dõi, tổng hợp việc thực hiện lời hứa của các vị đã trả lời chất vấn và giám sát việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn. UBTVQH cũng cho rằng cần tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn tại các phiên họp của UBTVQH và từng bước thí điểm việc điều trần tại Hội đồng Dân tộc, các UB của QH; nghiên cứu cải tiến cách thức tổ chức, tiến hành kỳ họp, trong đó chú trọng tranh luận, phản biện...

* Chiều 15-12, tại Phiên họp thứ 26, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến vào Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 55/2005/QH11 về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC), Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC).

Băn khoăn với kiến nghị của Ủy ban Pháp luật về việc giao cho một cơ quan chuyên trách “gác cổng” cho Chính phủ, cho Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật, các Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Nguyễn Đức Kiên, Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Tú bày tỏ cần tiếp tục nghiên cứu tiếp, áp dụng vào thời điểm này là chưa phù hợp. Sở dĩ việc xây dựng pháp luật còn giao cho nhiều cơ quan hướng dẫn và còn phải sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn nhiều vì chúng ta chưa có chiến lược xây dựng hệ thống dự báo hoàn chỉnh các Luật, thời gian chuẩn bị ít, trình độ đội ngũ cán bộ nghiên cứu còn hạn chế, chưa thể đảm bảo để ban hành một đạo luật đủ, cụ thể, ít nội dung hướng dẫn.

Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên yêu cầu Ủy ban Pháp luật cần nghiên cứu thêm để có thông tin đánh giá cụ thể về tình trạng mâu thuẫn xung đột giữa các văn bản hướng dẫn, giữa văn bản hướng dẫn và hiến pháp, luật, hiến pháp, tại sao còn nhiều nội dung trong các pháp lệnh được giao cho Chính phủ, Thủ tướng hướng dẫn thi hành...

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhận định: cần sớm đổi mới cách thức tổ chức của cơ quan soạn thảo, tránh kiểu khoán trắng cho cơ quan chủ trì; các văn bản ban hành không đúng thẩm quyền về nội dung, hình thức, ban hành sau 1-1-2009 không được coi là VBQPPL, cần hủy bỏ.

* Trong hai ngày 14 và 15-12, Đoàn cán bộ Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tiến hành khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật tại tỉnh Thái Nguyên về một số nội dung: Thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; thực hiện pháp luật về công tác giảm nghèo; pháp luật về người có công với cách mạng...

Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn đã đề nghị làm rõ một số vấn đề như: Diễn biến của tội phạm liên quan đến ma túy; việc tổ chức cai nghiện và quản lý người nghiện sau cai; việc triển khai các chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo; giải quyết các chế độ chính sách cho người có công... Các đơn vị, địa phương mà Đoàn đến làm việc cũng đã đưa ra một số ý kiến kiến nghị như: Nhà nước cần tiếp tục duy trì và bổ sung cơ chế chính sách để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo; việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ không hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo từ 30 tuổi trở xuống để tránh lạm dụng để tách hộ như hiện nay; bổ sung kinh phí hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tranh tre, dột nát đối với người có công trên địa bàn tỉnh; đầu tư cơ sở vật chất và có cơ chế hỗ trợ cho người nghiện ma túy trong quá trình cai nghiện; cho vay vốn ưu đãi để tạo việc làm nhằm giúp người nghiện có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng...

NHÓM PV TTXVN

Chia sẻ bài viết