13/09/2019 - 07:32

Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, khoáng sản 

Theo các chuyên gia, thời gian qua sạt lở bờ sông, kênh, rạch ở ĐBSCL có tác động lớn của hiện tượng khai thác tài nguyên, khoáng sản bừa bãi, quá mức cho phép. Đặc biệt, khai thác cát trên sông Hậu làm thay đổi dòng chảy, xói lở bờ sông… Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản là nhiệm vụ mà Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Cần Thơ cùng ngành chức năng có liên quan đặc biệt quan tâm, kiên quyết xử lý nghiêm những sai phạm, góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế tác hại xấu do quá trình khai thác gây ra...

►Tăng cường quản lý

Theo thống kê trong 8 tháng năm 2019, trên địa bàn TP Cần Thơ xảy ra 22 điểm sạt lở, làm 9 căn nhà sạt lở hoàn toàn, 24 căn bị ảnh hưởng (sạt lở một phần nhà và buộc di dời khẩn cấp). Tổng chiều dài sạt lở trên 520 mét, ước thiệt hại tài sản khoảng 13,7 tỉ đồng. Nâng tổng số từ năm 2010 đến nay, TP Cần Thơ đã xuất hiện 155 điểm sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài trên 5km, thiệt hại tài sản hàng trăm tỉ đồng. Ngoài ra, thành phố còn có 106 điểm đang có nguy cơ sạt lở cao, với tổng chiều dài gần 53km, đe dọa sinh mạng, tài sản của người dân. Nguyên nhân sạt lở được xác định ngoài hiện tượng tự nhiên còn có nguyên nhân khai thác cát trái phép, khai thác nguồn nước ngầm quá mức...

TP Cần Thơ có trên 3.600km bờ sông, kênh, rạch. Để hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông, sụp lún đất và bảo vệ môi trường tại các dòng sông, ngành chức năng TP Cần Thơ cũng đồng loạt triển khai kế hoạch kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản (cát) trên địa bàn thành phố. Sở TN&MT; Phòng Cảnh sát Đường thủy (Phòng PC68) - Công an TP Cần Thơ đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, từng bước đưa hoạt động khai thác cát đi vào nề nếp, hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra.

 Qua đó, các đơn vị nêu trên tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khai thác khoáng sản đến các chủ doanh nghiệp hoạt động thuộc lĩnh vực khai thác, kinh doanh cát. Trong đó, các đơn vị chú trọng công tác tuyên truyền quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa; quy định về hoạt động thăm dò, vận chuyển, tiêu thụ, khai thác cát trên sông… Đặc biệt, ngành chức năng đã thông tin đến người dân những trường hợp khai thác cát trái phép; những phương thức, thủ đoạn hoạt động khai thác của các loại tội phạm; hướng dẫn các chủ doanh nghiệp, các cơ sở, điểm kinh doanh, khai thác cát ký cam kết khai thác đúng vị trí được cấp phép và đúng thời gian quy định, không kinh doanh, mua bán cát không rõ nguồn gốc... 

 Những tháng đầu năm 2019, TP Cần Thơ đã kiểm tra trên 4.000 trường hợp khai thác và vận chuyển cát trên sông Hậu, qua địa bàn thành phố. Qua kiểm tra, chủ các phương tiện đều xuất trình đầy đủ giấy tờ có liên quan đến hoạt động kinh doanh, vận chuyển cát. Ngành chức năng TP Cần Thơ còn kết hợp với Công an tỉnh Vĩnh Long ra quân kiểm tra giấy phép, điều kiện hoạt động của các mỏ cát, phương tiện khai thác cát trên sông Hậu (đoạn từ Vàm sông Cần Thơ đến cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt). Qua kiểm tra 7 mỏ cát (trong đó 4 mỏ trên địa bàn TP Cần Thơ và 3 mỏ cát thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long) chủ kinh doanh đều xuất trình đầy đủ giấy tờ theo quy định; thực hiện phương án đảm bảo trật tự an toàn hàng hải…

Ông Phạm Văn Tâm, ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: “Gần đây, tôi thấy lực lượng chức năng quận Thốt Nốt và TP Cần Thơ thường xuyên kiểm tra tình hình khai thác cát trên sông Hậu. Nạn khai thác cát trái phép đặc biệt vào ban đêm đã được hạn chế. Tuy nhiên ở cồn Tân Lộc năm nào cũng xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông. Người dân dùng cây tràm, dừa đóng cừ bảo vệ nhưng vẫn sạt lở. Chúng tôi rất mong ngành chức năng tăng cường kiểm tra nhất là vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ để kịp thời ngăn chặn, chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép dẫn đến sạt lở cồn, bờ sông Hậu...”.

Nạn sạt lở bờ sông thường xuyên diễn ra trên địa bàn TP Cần Thơ. Trong ảnh: Bờ sông Ô Môn bị sạt lở, ảnh hưởng sinh hoạt đi lại của người dân địa phương.

►Giải pháp lâu dài

Sở TN&MT TP Cần Thơ cho biết, từ đầu năm đến nay, thành phố có 4 đơn vị và 12 phương tiện hoạt động khai thác cát tại các mỏ cát được UBND TP Cần Thơ cấp phép. Bao gồm: Công ty TNHH Lan Anh đăng ký 3 phương tiện hoạt động khai thác cát với tổng công suất khai thác là 690m3/ngày; Công ty TNHH Sao Mộc đăng ký 2 phương tiện hoạt động khai thác cát 690m3/ngày; Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Phát Đạt đăng ký 4 phương tiện hoạt động khai thác cát 652m3/ngày và Công ty Cổ phần An Lạc đăng ký 3 phương tiện hoạt động khai thác cát 999m3/ngày.

Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, cho biết: “Việc cấp phép khai thác cát là cơ sở để các cơ quan, địa phương có chức năng liên quan thực hiện việc quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý (nếu có vi phạm) các hoạt động của chủ giấy phép theo quy định của pháp luật về khoáng sản hiện hành và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Đồng thời là cơ sở để các đơn vị liên quan tăng cường rà soát, kiểm tra, phối hợp xử lý kịp thời các hành vi khai thác cát trái phép, không phép trên tuyến sông Hậu thuộc địa bàn TP Cần Thơ, nhằm bảo vệ hiệu quả các mỏ cát trên địa bàn thành phố, bảo vệ môi trường và hạn chế tác hại sạt lở bờ sông…”.

  Ông Nguyễn Chí Kiên cho biết thêm ngoài việc thực hiện nghiêm công tác quản lý tài nguyên khoáng sản theo chỉ đạo của Chính phủ, từ nay đến cuối năm 2019, Sở TN&MT tiếp tục tham mưu thành phố tổ chức thực hiện kế hoạch lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 6-5-2015 của Chính phủ; tiếp tục thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 theo quy hoạch đã được phê duyệt; phối hợp với Công an TP Cần Thơ, UBND các quận, huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động khai thác cát trên sông Hậu, việc chấp hành quy định của giấy phép, quy định pháp luật về tài nguyên nước; hướng dẫn doanh nghiệp trám lấp giếng không khai thác, nhằm đảm bảo tài nguyên không thất thoát trên địa bàn TP Cần Thơ…

Gần đây, trong cuộc họp về tăng cường công tác ngăn chặn, xử lý tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Qua đó, các địa phương phải tập trung nâng cao trách nhiệm, nhận thức của cấp ủy, chính quyền trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép; xác định công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương và kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm khai thác khoáng sản, cát, sỏi... trái phép.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết