13/07/2019 - 12:19

Nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở 

Công tác hòa giải ở cơ sở có tỷ lệ thành cao hay thấp phụ thuộc phần lớn vào vai trò của các hòa giải viên. Hòa giải viên ở cơ sở không chỉ giải thích, hướng dẫn cho người dân hiểu những kiến thức pháp luật mà còn động viên, thuyết phục để hai bên đương sự đi đến sự thỏa thuận với nhau, góp phần hóa giải mâu thuẫn...

Các thành viên của Hội đồng Tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai của UBND phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt họp bàn về hướng giải quyết, trước khi đưa vụ việc ra hòa giải.

Bà Hà Thị Xoan, Tổ hòa giải ở khu vực Tân Quới, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: “Hòa giải không chỉ để giải quyết mâu thuẫn nhất thời, mà còn giúp hàn gắn tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình. Người làm việc này phải có cái tâm, trách nhiệm thì mới “trụ” được vì rất dễ va chạm”. Nhiều người làm công tác hòa giải ở cơ sở cho rằng ở vai trò "trọng tài", việc phân xử đụng chạm đến quyền lợi các bên là điều không tránh khỏi, nên không ít lần họ bị lời ra tiếng vào. Nhưng rồi, những vụ việc được giải quyết thành công, xóm ấp thuận hòa khiến các hòa giải viên có thêm động lực để tiếp tục công việc.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đức, Bí thư Chi bộ, Trưởng Khu vực 12, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, khi có vụ việc, tranh chấp giữa các hộ dân trên địa bàn phát sinh, các thành viên của Tổ hòa giải chung sức để hàn gắn mâu thuẫn. Nhiều năm “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, nhưng ông Đức chưa bao giờ vơi đi nhiệt huyết, niềm đam mê với công việc ở khu vực. Ông Đức suy nghĩ: “Làm công tác hòa giải để xóm làng yên bình; người dân trên địa bàn gắn kết với nhau hơn”. Nói thì đơn giản, nhưng trên thực tế, ông Đức gặp không ít khó khăn, người không thông cảm thì cho rằng xen vào chuyện riêng tư của mỗi gia đình. Các mâu thuẫn phát sinh trong thực tế rất đa dạng và phức tạp nên ông Đức phải tập trung nghiên cứu, nắm rõ các quy định của pháp luật, phân tích sự việc có lý, có tình. Từ đó, những cuộc hòa giải mới đạt kết quả cao…

Hòa giải ở cơ sở không chỉ tăng tình đoàn kết trong cộng đồng mà còn ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự. Xác định vai trò quan trọng trên, những năm qua, UBND TP Cần Thơ luôn quan tâm, chú trọng chỉ đạo các cấp, các ngành không ngừng nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác hòa giải.

Quận Bình Thủy hiện có 46 Tổ hòa giải ở 46 khu vực, với 312 hòa giải viên. Mỗi Tổ hòa giải có từ 5 đến 7 thành viên trở lên; phần lớn Trưởng khu vực hoặc Trưởng Ban công tác Mặt trận khu vực đảm nhiệm vai trò tổ trưởng, tổ phó tổ hòa giải; các thành viên tổ hòa giải là những người nhiệt tình, hiểu biết pháp luật, có kinh nghiệm trong cuộc sống và uy tín với nhân dân, được ban công tác mặt trận lựa chọn giới thiệu từ các tổ chức như: Chi hội Phụ nữ, Chi hội Người cao tuổi, Chi hội Cựu chiến binh, Chi Đoàn Thanh niên, nông dân… để nhân dân bầu và UBND phường ra quyết định công nhận. Theo ông Nguyễn Văn Thảo, Trưởng Phòng Tư pháp quận Bình Thủy, qua thời gian triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, công tác hòa giải ở cơ sở đã được nâng lên cả về mặt tổ chức và chất lượng, hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng phát huy hiệu quả, tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 80%, góp phần vào việc giải quyết mâu thuẫn và tranh chấp nhỏ ở cơ sở...

Tại quận Thốt Nốt, từ năm 2014 đến nay, các Tổ hòa giải ở cơ sở đã tiếp nhận 2.664 vụ, đưa ra hòa giải 2.664 vụ, hòa giải thành 2.203 vụ, đạt 82,7%; không thành 461 vụ, chiếm 17,3 %. Theo ông Lê Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn quận không ngừng phát triển, đội ngũ hòa giải viên luôn nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm và tự nguyện. Thông qua hoạt động hòa giải đã góp phần duy trì, củng cố đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong cộng đồng dân cư...

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết