02/08/2018 - 15:30

Nam Phi xem xét sửa hiến pháp để trưng dụng đất

Hôm 31-7, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông báo đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền có kế hoạch sửa đổi hiến pháp để cho phép tịch thu đất đai mà không phải đền bù, động thái Reuters nhận định là có thể làm các nhà đầu tư tức giận .

Phát biểu trên truyền hình, ông Ramaphosa cho biết cải cách này là “cực kỳ quan trọng” đối với nền kinh tế Nam Phi.

Được biết, 1/3 số đất trồng trọt tại Nam Phi thuộc sở hữu tư nhân, trong đó, cộng đồng người da trắng sở hữu đến 72% so với chỉ 4% thuộc về nhóm dân số da màu. Tình trạng này xuất phát từ giai đoạn phân biệt chủng tộc trước đây. Song kể từ khi sự thống trị của cộng đồng thiểu số da trắng kết thúc vào năm 1994, ANC đã áp dụng mô hình “thuận mua, vừa bán”, theo đó chính phủ thu mua các trang trại của người da trắng để phân bổ lại cho người da màu.

Song tiến độ của mô hình trên còn chậm. Dù 10% đất đai của các chủ sở hữu da trắng đã được chuyển cho người da màu kể từ khi kết thúc chế độ apartheid, nhưng con số đó chỉ bằng 1/3 so với mục tiêu của ANC. Sau khi  lần đầu tiên chấp nhận đề xuất quốc hữu hóa đất đai vào tháng 12-2017, ANC cho biết sẽ  sửa hiến pháp, theo đó cho phép thực hiện theo pháp luật việc phân bổ lại đất đai mà không cần bồi thường.

Trong khi đó, bất chấp việc Tổng thống Ramaphosa liên tục khẳng định bất kỳ thay đổi nào cũng không ảnh hưởng đến an ninh lương thực và tăng trưởng kinh tế, một số nhà đầu tư lo ngại rằng cải cách của đảng cầm quyền Nam Phi sẽ khiến những nông dân da trắng bị tước đi đất đai trở thành đối tượng gây phương hại cho nền kinh tế quốc gia.

Nhiều nhà quan sát còn so sánh kế hoạch thu hồi đất đai của ANC với cuộc cải cách ruộng đất tương tự tại nước láng giềng Zimbabwe hồi năm 2000. Khi đó, quyết định tịch thu đất của Tổng thống  Robert Mugabe đã tạo ra làn sóng di cư lớn của nông dân da trắng và làm suy giảm sản lượng cà phê và sữa tại quốc gia này.

ĐÔNG PHONG (Theo BBC, Dawn)

Chia sẻ bài viết