14/01/2021 - 08:58

Na Uy tìm kim loại dưới đáy biển 

Trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lâu nay giúp Na Uy trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới, nhưng giờ đây nước này đang nhắm tới kim loại dưới đáy biển.

Các lớp trầm tích chứa kim loại nằm cách bờ biển Na Uy 700km. Ảnh: norwaytoday

Ngày 12-1, Na Uy thông báo chuẩn bị thực hiện nghiên cứu về tác động môi trường để có thể mở cửa các khu vực thăm dò và sản xuất khoáng sản từ dưới đáy biển. Ðộng thái này diễn ra sau khi Oslo thực hiện cuộc khảo sát trong 3 năm, phát hiện các lớp trầm tích dưới đáy biển có chứa đồng, kẽm, coban, vàng, bạc cũng như hàm lượng cao lithium và kim loại đất hiếm scandi (được dùng trong các thiết bị điện tử). Ðại học Khoa học và Công nghệ Na Uy (NTNU) ước tính có tới 21,7 triệu tấn đồng, nhiều hơn sản lượng đồng của thế giới năm 2019, và 22,7 triệu tấn kẽm nằm trên thềm lục địa quốc gia Bắc Âu này. “Khai thác đồng trong quyền tài phán của Na Uy có thể sẽ không bao giờ thay thế được việc khai thác trên đất liền, nhưng nó có thể trở thành nhân tố quan trọng giúp đáp ứng nhu cầu kim loại của thế giới trong tương lai”, Phó Giáo sư Loeve Ellefmo tại NTNU nói với Hãng tin Reuters.

Chính phủ Na Uy sẽ thảo luận với dân chúng về đánh giá tác động môi trường từ việc khai thác và đề xuất mở các khu vực thăm dò và sản xuất trước cuối năm 2022. Sau đó, Quốc hội tiến hành tranh luận và bỏ phiếu trong quý II/2023. Do vậy, Na Uy có thể cấp phép cho các công ty tiến hành khai khoáng dưới biển sâu sớm nhất vào năm 2023 và nhiều khả năng cũng sẽ đưa nước này vào nhóm những quốc gia tiên phong “thu hoạch” kim loại đáy biển để ứng dụng trong chế tạo pin xe điện, cho các cánh đồng điện gió và năng lượng Mặt trời.

Dầu mỏ và khí đốt giúp Na Uy thịnh vượng, nhưng quốc gia 5,4 triệu dân này vẫn háo hức tìm kiếm các nguồn tài nguyên khác để từng bước thay thế ngành công nghiệp hàng đầu của họ. Hơn nữa, Oslo cũng sẽ có vai trò  trong việc phát triển năng lượng xanh hơn. Khai khoáng dưới biển sâu có thể mang về cho Na Uy khoản doanh thu tới 20 tỉ USD mỗi năm và tạo ra khoảng 20.000 việc làm, so với nguồn thu 61 tỉ USD từ dầu mỏ và khí đốt trong năm 2019.

Tuy nhiên, việc khám phá đáy biển cũng đặt ra những thách thức cho môi trường. Các nhà hoạt động môi trường lên tiếng kêu gọi đình chỉ kế hoạch khai khoáng đáy biển cho đến khi hiểu rõ hơn về các loài đang sống tại đây cũng như ảnh hưởng tiềm tàng đối với chúng. Tổ chức Greenpeace gần đây thậm chí đề nghị ban hành lệnh cấm lâu dài đối với loại hình khai thác này.

Nhật Bản cũng có kế hoạch khai thác kim loại đáy biển nhưng sẽ không bắt đầu trước năm 2026. Tập đoàn Dầu khí và Kim loại Quốc gia Nhật Bản từng thực hiện thành công vụ thử nghiệm đầu tiên trên thế giới về việc khai thác và đưa khoáng sản dưới biển sâu lên mặt nước hồi năm 2017.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết