23/04/2021 - 08:58

Mỹ xúc tiến đạo luật “đấu” Trung Quốc 

Ủy ban Ðối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 21-4 đã thông qua dự luật lưỡng đảng, đảm bảo ưu thế của Mỹ trước Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực.

Màn “đấu khẩu” giữa phái đoàn Mỹ (phải) và Trung Quốc tại đối thoại Alaska hồi tháng 3 hé lộ mức độ căng thẳng trong quan hệ  song phương. Ảnh: Getty Images

Màn “đấu khẩu” giữa phái đoàn Mỹ (phải) và Trung Quốc tại đối thoại Alaska hồi tháng 3 hé lộ mức độ căng thẳng trong quan hệ song phương. Ảnh: Getty Images

Hãng tin Reuters đánh giá “Ðạo luật Cạnh tranh Chiến lược năm 2021” được thông qua với tỷ lệ ủng hộ áp đảo phản ánh lập trường nhất quán của phe Dân chủ và Cộng hòa về cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Với hàng chục sửa đổi bổ sung, văn kiện này tiếp tục chờ 100 thành viên Thượng viện xem xét cùng với “Ðạo luật Biên giới vô tận” cho phép giải ngân hơn 100 tỉ USD trong 5 năm nhằm củng cố sự thống trị của Mỹ ở mảng công nghệ.

Theo giới phân tích, hai sáng kiến nói trên có thể sớm trở thành luật nhờ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của giới lập pháp Mỹ. Trong đó, các nhà chuyên môn đặc biệt lưu ý đạo luật cạnh tranh chiến lược khi văn kiện dài gần 300 trang đẩy cuộc so kè với Trung Quốc thành nhiệm vụ quan trọng nhất đối với Washington. Dự luật nêu rõ, Trung Quốc chọn theo đuổi các chính sách kinh tế “độc đoán”, gia tăng kiểm soát quyền tự do cá nhân và thực thi sách lược đối ngoại ngày càng quyết đoán. Dự luật còn cảnh báo Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch thiết lập quyền bá chủ đối với Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương và đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này.

Tình hình trên buộc Washington phải xem xét và sửa đổi cách tiếp cận trên mọi khía cạnh từ quyền lực, chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự đến cải tiến công nghệ và thậm chí là văn hóa nhằm duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu, đảm bảo trật tự quốc tế tự do và cởi mở, qua đó ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Cụ thể, dự luật đề nghị mọi cơ quan liên bang chỉ định một quan chức cấp cao điều phối các chính sách liên quan cuộc cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh. Chính quyền cũng phải đảm bảo ngân sách thay đổi phù hợp với mục tiêu này, bao gồm kinh phí cho những nguồn quỹ chống rủi ro tiềm ẩn từ Trung Quốc, các chương trình giúp công ty trong nước chuyển chuỗi cung ứng khỏi đại lục bên cạnh mở rộng phạm vi tuyên truyền, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và thúc đẩy xuất khẩu công nghệ Mỹ.

Về đối ngoại, sáng kiến của Thượng viện cho rằng Nhà Trắng cần tăng cường tài trợ các tổ chức phát triển quốc tế để tăng tính cạnh tranh; hợp tác chặt chẽ cùng đồng minh, đối tác nhằm thúc đẩy họ đảm nhận vai trò lớn hơn, khuếch trương các giá trị nhân đạo và dân chủ, từ đó cân bằng và kiềm chế “hành vi hiếu chiến” của Trung Quốc. Ngoài đầu tư 80 tỉ USD vào Mỹ Latinh trong 5 năm, dự luật nhấn mạnh sự cần thiết ưu tiên các khoản chi tiêu quân sự quan trọng đảm bảo lợi ích chính trị, kinh tế và an ninh của Washington tại Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Trong số này bao gồm đề xuất chi 655 triệu USD cho hoạt động huấn luyện và hỗ trợ các đối tác khu vực mua vũ khí do Mỹ sản xuất giai đoạn 2022-2026; bổ sung 300 triệu USD mỗi năm cho quỹ chống “ảnh hưởng xấu” của Trung Quốc ở những quốc gia tham gia sáng kiến “Vành đai, Con đường”.

Tuần rồi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết nước này kiên quyết phản đối dự luật nói trên. Theo các nhà chuyên môn, Bắc Kinh thực tế không bất ngờ trước động thái của Mỹ và khả năng họ cũng đã chuẩn bị chiến lược để đối phó.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, Nikkei Asian Review)

Chia sẻ bài viết