22/02/2023 - 09:15

Mỹ và đồng minh tăng cường phòng thủ ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương 

TRÍ VĂN

Báo Bưu điện Washington (WP) cho rằng các hành động khiêu khích của Trung Quốc, Triều Tiên và Nga đã thôi thúc Mỹ và các đồng minh thân cận nhất ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tăng cường năng lực quân sự.

Các thành viên Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản trong cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2022 do Mỹ dẫn đầu. Ảnh: WP

“Mạng lưới” liên minh củng cố lẫn nhau

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay, xu hướng trên phản ánh nỗ lực nhằm tạo ra một khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và thịnh vượng thông qua việc củng cố các mối quan hệ đối tác, từ đó tiến tới cái gọi là “mạng lưới” liên minh củng cố lẫn nhau.

Và phần lớn nỗ lực đó được thể hiện một cách rõ ràng trong thời gian gần đây. Theo WP, Nhật Bản hồi tháng 12 năm ngoái đã từ bỏ nửa thế kỷ hạn chế chi tiêu quốc phòng và tuyên bố tăng gần gấp đôi ngân sách quốc phòng trong vòng 5 năm tới. Tokyo cũng tuyên bố sẽ phát triển năng lực tên lửa phản công. “Lý do chúng tôi phải cầm vũ khí là vì những thách thức an ninh ngày càng nghiêm trọng và phức tạp trong khu vực do Triều Tiên, Trung Quốc và Nga đặt ra. Với bối cảnh an ninh ở châu Á, chúng tôi có nghĩa vụ đáp trả bằng cách xây dựng hệ thống phòng thủ. Vì vậy, chúng tôi cần cải thiện khả năng răn đe của chúng tôi” - Noriyuki Shikata, thư ký nội các phụ trách quan hệ công chúng của Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản, cho biết.

Cùng với việc mua các tên lửa hành trình Tomahawk do Mỹ sản xuất có thể vươn tới Trung Quốc đại lục, Nhật Bản còn đồng ý để Thủy quân Lục chiến Mỹ cải tổ một đơn vị ở thành phố Okinawa để họ có thể nhanh chóng được triển khai tới những hòn đảo xa xôi gần Ðài Loan. Trung đoàn ven biển này sẽ được trang bị tên lửa chống hạm, có thể bắn vào tàu Trung Quốc trong trường hợp nổ ra xung đột với Ðài Loan. Tokyo còn có ý định tích hợp lực lượng phòng vệ của nước này vào các cuộc tập trận với Mỹ tại Úc. Ðại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho biết năm ngoái là “một bước ngoặt đáng kinh ngạc” đối với xứ hoa anh đào.

Trong khi đó, Úc dự kiến trong những tuần tới sẽ tiết lộ kế hoạch đóng tàu ngầm vận hành bằng năng lượng hạt nhân với sự hỗ trợ của Mỹ và Anh. Khi các tàu ngầm này bắt đầu đi vào hoạt động vào những năm 2030 thì thỏa thuận an ninh 3 bên giữa Mỹ, Anh và Úc (AUKUS) có thể chứng tỏ là một trong những nỗ lực hiện đại hóa lực lượng quan trọng nhất trong khu vực. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã khiến Trung Quốc “nổi đóa”. Bắc Kinh coi đó là một hành động khiêu khích có chủ ý. Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn cáo buộc AUKUS làm suy yếu nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế. Song, phía Canberra nói rằng Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân không cấm một nước không sở hữu vũ khí hạt nhân có được công nghệ đẩy hạt nhân, đồng thời khẳng định các tàu ngầm của xứ chuột túi sẽ không mang theo vũ khí hạt nhân.

Mới đây nhất, Philippines đã ký thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự mới và tăng cường hợp tác quốc phòng với Nhật Bản.

Về phần mình, Bộ Tư lệnh Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương Mỹ hồi mùa hè năm ngoái đã hoàn thành cuộc tập trận hàng hải lớn nhất từ trước đến nay ngoài khơi Quần đảo Hawaii và Nam California với sự tham gia của 26 nước.

Một số đồng minh sợ bị “thao túng”

Tuy nhiên, không phải nước nào cũng mong muốn thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc phòng với Mỹ hoặc Trung Quốc. Trung tướng Kongcheep Tantravanich, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Thái Lan, một đồng minh lâu đời của Mỹ ở Ðông Nam Á, cho biết Bangkok không muốn bị Washington hoặc Bắc Kinh “thao túng”. “Chúng tôi phải luôn duy trì trạng thái trung lập của mình” - ông Kongcheep tuyên bố. Thái Lan hồi năm ngoái cho biết một mặt sẽ mua một lượng đáng kể thiết bị quân sự từ Mỹ và bắt đầu triển khai chương trình chia sẻ thông tin về công nghệ quốc phòng, mặt khác tiếp tục củng cố quan hệ với Bắc Kinh.

Markus Garlauskas, giám đốc Sáng kiến An ninh Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương của Tổ chức nghiên cứu Hội đồng Ðại Tây Dương cho rằng giống như Thái Lan, Hàn Quốc cũng không muốn bị lôi cuốn vào căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ.

Còn Ấn Ðộ, một đối tác quan trọng trong chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Biden, luôn sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong các cuộc tập trận quân sự và gần đây nhất là về công nghệ quốc phòng. Song, do muốn duy trì chính sách tự chủ chiến lược, New Delhi không tham gia vào bất kỳ thỏa thuận an ninh đa phương hay bất kỳ liên minh nào để gây áp lực đối với Nga hoặc Trung Quốc.

Chia sẻ bài viết