22/11/2021 - 21:34

Mỹ và đồng minh bắt đầu thực thi AUKUS 

Ngày 22-11, Mỹ, Anh và Úc chính thức ký thỏa thuận cho phép trao đổi “thông tin nhạy cảm” về công nghệ động cơ hạt nhân theo khuôn khổ quan hệ đối tác an ninh tăng cường ba bên AUKUS.

Tàu ngầm Úc trong một cuộc tập trận. Ảnh: Royal Australian Navy

Theo Hãng tin AFP, lễ ký kết diễn ra giữa quyền Ðại sứ Mỹ tại Úc Michael Goldman, Ðại sứ Anh ở Úc Victoria Treadell và Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Peter Dutton. Trong tuyên bố đưa ra trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết thỏa thuận mở đường cho hợp tác mà qua đó giúp tăng cường hơn nữa trận địa phòng thủ chung giữa các đồng minh.

Ðây là thỏa thuận đầu tiên về công nghệ giữa Mỹ, Anh và Úc kể từ khi cơ chế hợp tác an ninh, quân sự và ngoại giao AUKUS được thành lập hồi tháng 9. Trọng tâm của khuôn khổ này là hỗ trợ Canberra phát triển tàu ngầm hạt nhân, bên cạnh việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, không gian mạng và năng lực hoạt động dưới đáy biển.

Tuy các bên chưa từng đề cập trực tiếp “mối đe dọa” từ Trung Quốc, AUKUS được nhìn nhận là sự bắt tay giữa Washington và hai đồng minh nhằm giải quyết thách thức chiến lược ở Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng giữa 3 nước thuộc AUKUS với Bắc Kinh ngày càng tăng. Trước nay, Trung Quốc luôn cảnh giác với chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Ðối với thỏa thuận AUKUS, Bắc Kinh cáo buộc phương Tây muốn tăng cường hiện diện quân sự tại các khu vực xung quanh Trung Quốc và gây ra mối đe dọa “cực kỳ vô trách nhiệm” đối với ổn định khu vực.

Nỗ lực trấn an

Ngoài chọc giận Bắc Kinh, việc Mỹ và Anh hỗ trợ Úc phát triển tàu ngầm còn khiến nhiều quốc gia lân cận quan ngại về nguy cơ chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực.

Giải thích về quan điểm của Indonesia, Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto cho biết Jakarta hiểu rõ mối quan tâm của các quốc gia về khả năng phòng vệ trước những gì họ coi là “mối đe dọa hiện hữu”. Song, ông Subianto nêu rõ quan điểm của nước này ủng hộ một Ðông Nam Á không vũ khí hạt nhân. Cùng chung quan ngại, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết AUKUS thu hẹp cánh cửa đối thoại Mỹ - Trung về các vấn đề trong khu vực. Ðặt trong tình huống cả hai gia tăng hoạt động quân sự trên Biển Ðông, việc thiếu kênh liên lạc có thể phát sinh những sự cố “ngoài ý muốn và không lường trước được”, dẫn đến cuộc đối đầu toàn diện ở vùng biển chiến lược này.

Trong khi đó, Singapore và Philippines đã lên tiếng ủng hộ AUKUS. Manila cho rằng thỏa thuận trên là biện pháp răn đe cần thiết trước sự quyết đoán của Trung Quốc. Tuy vậy, cả hai cũng thận trọng kêu gọi Mỹ “tránh xa” nguy cơ đối đầu với Bắc Kinh.

Trong nỗ lực xoa dịu mâu thuẫn khu vực, Anh với vai trò Chủ tịch luân phiên của Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới G7 (gồm Anh, Canada, Pháp, Ðức, Ý, Nhật Bản, Mỹ) đã mời các quốc gia Ðông Nam Á tham dự hội nghị trực tiếp ngoại trưởng của nhóm vào tháng 12. Ðại diện ngoại giao Úc, Hàn Quốc, Ấn Ðộ và Nam Phi cũng nhận được lời mời. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Anh Liz Truss khẳng định mong muốn của chính quyền Thủ tướng Boris Johnson là làm việc với các nước nhằm xây dựng một mạng lưới thúc đẩy tự do, dân chủ và thương mại toàn cầu.

Theo dự đoán của các nhà quan sát, động thái này có thể tiếp tục khiến Bắc Kinh nghi ngờ. Trong đó, Trung Quốc có thể coi việc G7 mở rộng vòng hợp tác là nhằm vận động khu vực tán thành thỏa thuận AUKUS, mở đường cho phương thức tiếp cận quân sự cứng rắn hơn đối với nước này.

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Trung Quốc

Nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại giữa Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, ngày 22-11, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Trung Quốc đã chính thức khai mạc theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hội nghị là dịp để các nhà lãnh đạo hai bên đánh giá hợp tác ASEAN và Trung Quốc trong 30 năm qua, đề ra định hướng quan trọng trong giai đoạn mới nhằm đưa quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, tương xứng với tầm mức của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, vừa được thiết lập tại Hội nghị Cấp cao thường niên ASEAN - Trung Quốc lần thứ 24 (26-10-2021).

MAI QUYÊN (Theo Guardian, AFP)

Chia sẻ bài viết