12/05/2023 - 21:58

Mỹ tố Nam Phi cung cấp vũ khí cho Nga 

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN)

Mỹ hôm 11-5 khẳng định Nam Phi đã viện trợ vũ khí và đạn dược cho Nga vào cuối năm ngoái bất chấp việc Pretoria tuyên bố muốn duy trì thái độ trung lập trong cuộc xung đột tại Ukraine.

Tàu chở hàng Lady R của Nga neo tại quân cảng Simon’s Town vào ngày 7-12-2022. Ảnh: Reuters

“Trong số những điều chúng tôi ghi nhận là việc tàu chở hàng cập cảng căn cứ hải quân Simon’s Town từ ngày 6 đến 8-12-2022. Chúng tôi tin rằng vũ khí và đạn dược đã được chất lên tàu đó trước khi nó quay trở lại Nga”, Ðại sứ Mỹ tại Nam Phi Reuben E. Brigety II nhấn mạnh trong cuộc họp báo ở thủ đô Pretoria. Con tàu mà ông Brigety đề cập nhiều khả năng là Lady R, tàu chở hàng treo cờ Nga đang chịu lệnh trừng phạt của phương Tây và từng neo đậu tại Simon’s Town - quân cảng lớn nhất của Nam Phi. Theo Ðại sứ Brigety, Washington tin rằng thông tin tình báo của nước này là chính xác và xem hành động cung cấp vũ khí cho lực lượng Nga là “cực kỳ nghiêm trọng”. Hiếm khi một đại sứ Mỹ tại Nam Phi đưa ra những cáo buộc công khai như thế đối với chính phủ nước sở tại.

Tuy nhiên, văn phòng Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa gọi những cáo buộc của Mỹ là “đáng thất vọng” và cảnh báo rằng những nhận xét “làm suy yếu tinh thần hợp tác và quan hệ đối tác” giữa các quan chức hai nước đang thảo luận về vấn đề này.

Trong khi đó, Hãng tin AP xác định tàu Lady R thuộc sở hữu của một công ty mà tháng 5 năm ngoái đã bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt vì vận chuyển thiết bị quân sự cho Chính
phủ Nga.

Vụ việc liên quan Lady R cập cảng căn cứ hải quân khi đó đã làm dấy lên những hoài nghi, nhưng hàng hóa trên tàu không được xác nhận. Thông thường các tàu chở hàng cập cảng dân sự ở Cape Town chứ không phải căn cứ hải quân. Erika Gibson, chuyên gia quốc phòng hàng đầu của Nam Phi, tiết lộ với tờ The Telegraph rằng số hàng hóa đó có khả năng cao nhất là đạn dành cho súng trường tấn công AK-47.

Phương Tây soi kỹ hành động của Nam Phi

Cáo buộc của Mỹ được đưa ra sau nhiều tháng giới ngoại giao phương Tây thất vọng về việc Chính phủ của Tổng thống Ramaphosa tỏ ra thân mật với Mát-xcơ-va mặc dù Nga đang mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Nam Phi khẳng định nước này không chọn phe trong cuộc xung đột ở Ukraine và đã bỏ phiếu trắng về các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc liên quan đến hoạt động quân sự đặc biệt của Nga. Nam Phi còn liên tục nói rằng họ muốn giữ thái độ trung lập và ủng hộ đối thoại như kênh giúp chấm dứt xung đột.

Ðảng Ðại hội dân tộc Phi (ANC) cầm quyền của Nam Phi có mối quan hệ lịch sử chặt chẽ với Nga từ khi còn là một phong trào giải phóng chống chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid. Trong chuyến công du Nam Phi hồi đầu năm, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã được đón tiếp nồng hậu và Hải quân Nam Phi cũng đã tham gia cuộc tập trận quân sự chung với Nga và Trung Quốc tại Ấn Ðộ Dương vào tháng 3. Giới quan sát nhận định sự kiện quân sự gây tranh cãi này là bằng chứng cho thấy Nam Phi đang nghiêng về Ðiện Kremlin.

Trong tháng 8 tới, Nam Phi sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), tổ chức gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Ðộ, Trung Quốc và Nam Phi. Ðáng nói, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được mời tới dự hội nghị này. Ông Ramaphosa tháng rồi cho biết đảng ANC đề nghị Nam Phi nên rút khỏi Tòa án hình sự quốc tế (ICC), động thái diễn ra không lâu sau khi ICC ngày 17-3 phát lệnh bắt Tổng thống Putin, với cáo buộc “di chuyển bất hợp pháp” trẻ em Ukraine sang Nga. Tuy nhiên, văn phòng Tổng thống Nam Phi sau đó đính chính nước này không có kế hoạch rút khỏi ICC.

Chia sẻ bài viết