Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 3-12 cho biết Nhà Trắng đang tham vấn với Quốc hội và các quốc gia đồng minh châu Âu về những giải pháp ngăn chặn Nga thực hiện một cuộc tấn công tiềm ẩn nhằm vào Ukraine, sau khi giới tình báo Mỹ xác định rằng Nga đang thực hiện kế hoạch cho một cuộc tấn công quân sự khả dĩ có thể bắt đầu sớm nhất vào đầu năm 2022.
Ông Biden không chấp nhận “lằn ranh đỏ”
Lực lượng an ninh biên giới của Ukraine. Ảnh: Reuters
Thông tin tình báo về kế hoạch quân sự của Nga chống Ukraine được tờ The Washington Post tiết lộ đầu tiên. Hãng tin AP nhận được tài liệu này hôm 3-12. Theo đó, AP cho biết giới chức tình báo Mỹ phát hiện Nga đang thực hiện kế hoạch triển khai khoảng 175.000 binh sĩ, trong đó có khoảng 70.000 quân đã được bố trí tại nhiều địa điểm gần biên giới Ukraine. Kế hoạch của Nga bao gồm việc huy động 100 tiểu đoàn cùng với thiết giáp, pháo binh và thiết bị.
Tại Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov ngày 3-12 cũng phát biểu trước quốc hội nước này rằng số binh lính Nga đang gần biên giới Ukraine và bán đảo Crimea là 94.300 người, đồng thời cảnh báo “một cuộc leo thang quy mô lớn” có thể diễn ra trong tháng 1-2022.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng sáng 3-12, Tổng thống Biden cho hay đội ngũ an ninh của ông đang tập hợp các sáng kiến toàn diện và có ý nghĩa nhất để khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin “rất khó có thể tiếp tục và làm những gì mà mọi người tin rằng ông ấy có thể làm được”. Trên chuyến đi nghỉ cuối tuần ở Trại David chiều cùng ngày, khi được hỏi về thông tin tình báo vừa được tiết lộ, ông Biden nói rằng Mỹ đã biết các hành động của Nga từ lâu và ông kỳ vọng sẽ có “một cuộc thảo luận lâu dài với ông Putin”. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng mạnh mẽ tuyên bố: “Tôi không chấp nhận những lằn ranh đỏ của bất kỳ ai”.
Trong khi đó, Điện Kremlin ngày 3-12 cho biết Tổng thống Putin muốn tìm kiếm sự đảm bảo có tính ràng buộc ngăn chặn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng sang Ukraine trong cuộc gặp trực tuyến với ông Biden có thể diễn ra vào tuần tới. Trước đó, Nga nhiều lần cảnh báo bất kỳ sự hiện diện binh sĩ và vũ khí của NATO trên lãnh thổ Ukraine là vượt qua “lằn ranh đỏ”.
Ai nhượng bộ ai?
Trong cuộc gặp trực tiếp kéo dài 40 phút với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Stockholm (Thụy Điển) hôm 2-12, nhà lãnh đạo ngoại giao Mỹ Antony Blinken dọa sẽ có các biện pháp trừng phạt mới nếu Mát-xcơ-va không rút quân khỏi khu vực biên giới gần Ukraine. Ông Lavrov phản pháo: “Nếu có những trừng phạt mới đến từ địa ngục, chúng tôi sẽ đáp trả”. Nhà ngoại giao hàng đầu xứ bạch dương còn cảnh báo phương Tây đang “đùa với lửa” bằng cách từ chối Nga có tiếng nói trong bất kỳ sự mở rộng nào của NATO sang các nước thuộc Liên Xô cũ. Tuy vậy, ông Lavrov phủ nhận Mát-xcơ-va đang chuẩn bị một cuộc tấn công vào Ukraine và bảo vệ quyền của Nga trong việc triển khai binh sĩ trên lãnh thổ của mình. Mát-xcơ-va mới đây cũng cáo buộc Kiev đang chuẩn bị một cuộc tiến công vào phiến quân ly khai ở Đông Ukraine.
Ngoại trưởng Blinken trong một cuộc nói chuyện trực tuyến hôm 3-12 tiếp tục kêu gọi Nga trước tiên phải rút binh sĩ ra khỏi khu vực biên giới trước khi đàm phán làm giảm căng thẳng. Ông bày tỏ: “Giải quyết bất cứ điều gì về mặt ngoại giao khi một khẩu súng đang găm vào đầu ai đó là rất khó. Vì vậy, tôi nghĩ Nga phải rút quân là bước đi đầu tiên”. Ông Blinken nhấn mạnh nếu Nga theo đuổi đối đầu không mang lợi ích cho ai, mà sẽ gây hậu quả nghiêm trọng không những cho các bên trực tiếp tham gia mà cả các nước khác, bao gồm toàn bộ châu Âu.
Một số quan chức và nhà ngoại giao về hưu của Mỹ dường như cũng không muốn chính quyền của ông Biden nhượng bộ Nga về vấn đề gia nhập NATO của Ukraine. Họ cho rằng Tổng thống Putin muốn gây sự chú ý và nhận được sự nhượng bộ của Mỹ và phương Tây bằng cách leo thang căng thẳng giúp Nga trở lại vị trí trung tâm và ngang hàng với Mỹ như một siêu cường trên vũ đài quốc tế thời Chiến tranh lạnh. Họ tin rằng quân đội Ukraine ngày nay được trang bị và chuẩn bị tốt hơn so với quá khứ, trong khi các lệnh trừng phạt mới của phương Tây sẽ làm tổn hại nghiêm trọng nền kinh tế Nga.
Cuộc gặp trực tuyến sắp tới giữa lãnh đạo Nga - Mỹ được dư luận chờ đợi, nhưng chưa biết bên nào sẽ chịu nhượng bộ nhằm tránh nguy cơ xung đột quân sự nguy hiểm tại khu vực biên giới Nga - Ukraine.
ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)