24/08/2018 - 21:49

Mỹ tìm cách kiềm chế Trung Quốc 

Lo ngại Trung Quốc dựa vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ở nước ngoài để mở rộng mục tiêu chiến lược quân sự, giới lập pháp Mỹ đang tính toán giải pháp đối phó tham vọng của Bắc Kinh tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong báo cáo thường niên trình Quốc hội Mỹ tuần rồi, Lầu Năm Góc đặc biệt chú trọng năng lực của Trung Quốc trong việc mở rộng sức mạnh quân sự trên thế giới. Theo đó, ngoài mối lo ngại hàng đầu về khả năng máy bay ném bom Trung Quốc tấn công căn cứ Mỹ và đồng minh ở Thái Bình Dương, Lầu Năm Góc lưu ý tham vọng của Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện lượng lượng hải quân trên các vùng biển quốc tế.

Căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc tại Djibouti.

Theo báo cáo, việc Trung Quốc duy trì hoạt động hải quân trên vùng biển Tây - Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nói lên mục tiêu của Bắc Kinh muốn kiểm soát các tuyến hàng hải quan trọng ngoài Biển Đông và chuỗi đảo thứ nhất kéo dài từ Nhật Bản đến Đài Loan. Lầu Năm Góc cũng không bỏ sót sự hiện diện liên tục của tàu ngầm Trung Quốc trên các vùng biển Nam Á cũng như việc nước này cử tàu thu thập thông tin tình báo ở khu vực Biển San hô ven lục địa bờ Đông Bắc Úc trong cuộc tập trận hải quân Mỹ-Úc năm ngoái.

Ngoài hoạt động rầm rộ của hải quân, các chính trị gia Mỹ cũng bắt đầu nhìn ra mối liên hệ giữa các dự án phát triển hạ tầng của Trung Quốc như sáng kiến “Vành đai, Con đường” với mục tiêu và chiến lược quân sự. Trong đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump và Quốc hội Mỹ đều đồng ý mục tiêu của Bắc Kinh là sử dụng nguồn vốn đầu tư, các khoản vay ưu đãi như đòn bẩy để “trói buộc” các quốc gia nhận viện trợ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với lợi ích của cường quốc châu Á.

Trước tham vọng của Trung Quốc, Quốc hội Mỹ trong đạo luật quốc phòng năm tài chính 2019 nhấn mạnh cạnh tranh chiến lược lâu dài với Bắc Kinh là ưu tiên hàng đầu của Washington. Theo đó, đạo luật quốc phòng kêu gọi “tái thiết, mở rộng và kéo dài” Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á do Washington khởi xướng. Vốn tại Nam Á, Mỹ có thỏa thuận hậu cần với Ấn Độ cho phép lực lượng vũ trang sử dụng các cơ sở quân sự của nhau, bao gồm căn cứ hải quân. Trong nỗ lực ngăn chặn chiến lược “kìm kẹp” của Bắc Kinh đối với Ấn Độ Dương, kế hoạch của Washington sẽ mở rộng hỗ trợ tài chính và huấn luyện quân sự cho những quốc gia khác như Sri Lanka và Bangladesh. Sri Lanka vốn là bằng chứng về chiến lược ngoại giao “bẫy nợ” của Trung Quốc. Năm ngoái, Sri Lanka buộc phải giao cảng Hambantota của họ cho Trung Quốc tiếp quản trong 99 năm để giảm nợ. Còn Bangladesh đóng vai trò then chốt trong sáng kiến “Vành đai, Con đường”.

Cùng với Ấn Độ Dương, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh hoạt động quân sự ở Nam Thái Bình Dương bên cạnh rót hàng tỉ USD đầu tư song song với các khoản vay ưu đãi. Mặc dù Mỹ vẫn chiếm ưu thế chiến lược từ Úc tới New Zealand, nhưng viễn cảnh “các quốc gia dễ tổn thương” trong khu vực rơi vào chính sách “ngoại giao bẫy nợ” sẽ đặt ra thách thức an ninh đối với Washington. Theo các chuyên gia, “Bộ Tứ” gồm Mỹ - Nhật - Úc - Ấn Độ nên phối hợp với các nước đối tác duy trì các chính sách kinh tế và an ninh độc lập nếu muốn hạn chế Bắc Kinh thiết lập các căn cứ quân sự lâu dài trên vùng Ấn Độ Dương.

Chính phủ Úc vừa ra lệnh cấm tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia cung cấp thiết bị cho mạng di động 5G tại nước này do lo ngại rủi ro gián điệp nước ngoài. Động thái trên cho thấy lập trường cứng rắn của Canberra đối với đối tác thương mại lớn nhất của họ sau những cáo buộc về sự can thiệp của Trung Quốc trong chính trường Úc. Trước đó. Mỹ cũng có lệnh cấm các cơ quan chính phủ nước này mua hoặc sử dụng thiết bị, sản phẩm viễn thông của các công ty Trung Quốc như ZTE và Huawei với lý do tương tự.

MAI QUYÊN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết