19/01/2021 - 09:14

Mỹ sẽ trở lại với thỏa thuận hạt nhân Iran? 

Bà Wendy Sherman (ảnh), “kiến trúc sư” của thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, vừa được đề cử làm nhân vật số 2 tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Tín hiệu này cho thấy chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ trở lại với cách tiếp cận đa phương, truyền thống hơn sau 4 năm “hỗn loạn” dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump.

Bà Sherman từng giữ vai trò chủ chốt trong việc đạt được thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), văn kiện mà cách nay 6 năm Iran đã ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ðức). Tuy nhiên, Tổng thống Trump năm 2018 đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận và sau đó tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Cộng hòa Hồi giáo. Ðộng thái đơn phương này khiến Tehran từ bỏ các cam kết hạt nhân. Ðầu tháng 1-2021, Iran bắt đầu quá trình sản xuất uranium với độ làm giàu lên tới 20%, vượt xa ngưỡng cam kết theo JCPOA. Iran khẳng định nước này đủ năng lực làm giàu uranium ở độ tinh khiết lên tới 90%, mức đủ để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Trong bối cảnh trên, Pháp ngày 16-1 đã lên tiếng thúc giục Tehran và Washington khẩn trương quay lại thỏa thuận hạt nhân. Ngoại trưởng Pháp Le Drian “chê” chiến dịch gây sức ép tối đa lên Iran của chính quyền ông Trump chỉ làm gia tăng nguy cơ và đe dọa. Theo ông Drian, điều này phải chấm dứt bởi Iran đang trong quá trình phát triển năng lực vũ khí hạt nhân.

Không riêng Pháp, các đồng minh châu Âu khác của Washington đều hy vọng chính quyền Mỹ dưới thời ông Biden sẽ nhanh chóng tiến hành những bước đi nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran trong bối cảnh sức ép ngày càng tăng. Ngoài việc làm giàu uranium, bầu cử tổng thống Iran vào tháng 6 tới có thể sẽ dẫn tới một chính phủ với quan điểm cứng rắn hơn, khiến thương lượng về vấn đề hạt nhân càng thêm khó khăn. Theo Hãng tin Bloomberg, Tổng thống theo đường lối ôn hòa Hassan Rouhani nhiều khả năng sẽ được thay thế bởi một thành viên thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran hoặc ứng viên có quan hệ mật thiết với tổ chức nổi tiếng bảo thủ này.

Tổng thống đắc cử Biden từng khẳng định ông sẽ quay lại JCPOA nếu Iran tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận này. Phía Tehran thì đặt điều kiện phải dỡ bỏ cấm vận trước khi nước này đảo ngược những vi phạm về thỏa thuận. Hồi tháng trước, Quốc hội Iran đã thông qua luật yêu cầu chính phủ mở rộng hoạt động hạt nhân, trong đó có việc đưa vào sử dụng nhà máy uranium ở Isfahan trong vòng 5 tháng. Ngoài ra, nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ không được nới lỏng trước ngày 21-2, tức một tháng sau khi Mỹ có chính phủ mới, Iran sẽ đẩy mạnh hoạt động làm giàu uranium và sẽ giới hạn vai trò thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ở nước này.

Trong diễn biến liên quan, Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran hôm 17-1 đã lên tiếng kêu gọi IAEA không công bố thông tin có thể khiến cộng đồng quốc tế hiểu lầm về chương trình hạt nhân của họ. Trước đó, các nhà lãnh đạo E3 (gồm Anh, Pháp, Ðức) cho rằng chương trình làm giàu uranium của Iran có thể phục vụ cho mục đích quân sự và điều này vi phạm JCPOA.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Iran tuyên bố Công cụ Hỗ trợ Trao đổi Thương mại (INSTEX - hệ thống thanh toán nhằm giảm thiệt hại từ các lệnh trừng phạt của Mỹ) không hoạt động hiệu quả là do chính sách của các nước châu Âu trong thời gian qua. E3 đã thiết lập hệ thống INSTEX vào tháng 1-2019 nhằm cứu vãn tình hình sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA. Tuy nhiên, Iran cho rằng INSTEX đã thất bại do các nước châu Âu không phát huy tối đa sức mạnh tài chính và chính trị độc lập, cũng như không thường xuyên cung cấp nguồn lực tài chính cho hệ thống này. Tuyên bố trên được đưa ra nhằm đáp lại cáo buộc của Ðức trước đó một ngày rằng Tehran phải “chịu trách nhiệm” về sự thất bại của INSTEX.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuần rồi thông báo loạt lệnh trừng phạt “giờ chót” nhằm vào các công ty của Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất do đã hợp tác với Iran Shipping Lines, tập đoàn vận tải biển bị Washington trừng phạt trước đó. Ngoài ra, 3 thực thể khác của Iran gồm Tổ chức Công nghiệp Hàng hải, Tổ chức Công nghiệp Không gian và Tổ chức Công nghiệp Hàng không cũng bị đưa vào danh sách đen. Đây là những biện pháp nhằm tăng cường sức ép lên Tehran trong những ngày cuối cùng của chính quyền ông Trump.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết