10/05/2018 - 07:32

Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 

Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh) rạng sáng 9-5 tuyên bố chính thức rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết dưới thời Barack Obama, bất chấp lời khuyên từ các đồng minh châu Âu cũng như cố vấn quân sự.

Ảnh: CBS News
Ảnh: CBS News

Trong thông điệp phát đi từ Nhà Trắng, Tổng thống Trump lên án hiệp ước mang tên Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) giữa Iran và nhóm cường quốc P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) là thỏa thuận “tồi tệ”, “đáng lý không bao giờ được thực hiện” và khiến ông “bẽ bàng trên tư cách công dân Mỹ”. Theo ông chủ Nhà Trắng, Iran đã không trung thực về tham vọng hạt nhân của mình, hỗ trợ các nhóm khủng bố và có những động thái thổi bùng xung đột trên khắp Trung Đông. “Thỏa thuận này (JCPOA) không mang lại sự yên ổn và sẽ không bao giờ đem lại hòa bình” – ông Trump nhấn mạnh.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton thì khẳng định việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giúp Mỹ có được “thế mạnh” và điều này không chỉ tác động đối với Iran mà còn cả cuộc họp sắp tới với lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. “Động thái này truyền đi tín hiệu rất rõ ràng, đó là Mỹ sẽ không chấp nhận những thỏa thuận không thỏa đáng” –Washington Post trích lời ông Bolton cho biết. 

Ngược lại, cựu Tổng thống Obama nhìn nhận ông Trump đã mắc phải “sai lầm nghiêm trọng”. Ông Obama khẳng định JCPOA không phải thỏa thuận giữa chính phủ do ông lãnh đạo với Iran mà đây là thỏa thuận kiểm soát vũ khí đa phương và được chia sẻ bởi các đồng minh châu Âu, các chuyên gia độc lập và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hiện nay. Do đó, cựu lãnh đạo Mỹ cảnh báo việc rút khỏi thỏa thuận sẽ làm suy yếu an ninh nước Mỹ khi Washington đang quay lưng với các đồng minh thân cận ở châu Âu, tăng mối đe dọa với Israel và tạo thêm sức mạnh cho phe cứng rắn ở Iran. Ông Obama cũng khẳng định việc Mỹ xé bỏ JCPOA trong khi vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng Iran vi phạm thỏa thuận sẽ làm giảm ảnh hưởng Washington trên toàn cầu, tạo hiệu ứng tiêu cực cho các thỏa thuận quốc tế mà Chính phủ Mỹ đàm phán trong tương lai, đặc biệt là vấn đề Triều Tiên.

Đồng minh chia rẽ

Ngay sau phát biểu của ông Trump, đồng minh Israel và Saudi Arabia đã lên tiếng khen ngợi và hoàn toàn ủng hộ hành động “can đảm” của Washington rút khỏi “thỏa thuận thảm hại”. Hai nước này trước nay vẫn lo ngại ảnh hưởng của Iran tại khu vực sẽ trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia của họ.

 

Reuters đưa tin ngày 9-5, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết Iran sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết hạt nhân theo thỏa thuận mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Giám đốc IAEA Yukiya Amano nói: “Iran là đối tượng của cơ chế giám sát hạt nhân nghiêm ngặt nhất thế giới căn cứ theo JCPOA. Đến hôm nay, IAEA có thể xác nhận rằng các cam kết liên quan đến hạt nhân đều được Iran thực hiện”.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Theresa May trong tuyên bố chung cho biết họ “lấy làm tiếc và quan ngại” trước động thái của lãnh đạo Mỹ. Tuyên bố cũng khẳng định JCPOA vẫn đóng vai trò quan trọng thậm chí là giải pháp duy nhất ngăn chặn cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở Trung Đông.  Ngoài ra, châu Âu còn kêu gọi Iran kiềm chế trước quyết định của Mỹ, tiếp tục tuân thủ các nghĩa vụ theo thỏa thuận và hợp tác trước các yêu cầu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Đáp lại, Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong bài phát biểu trên truyền hình gọi động thái của Tổng thống Trump là “chiến tranh tâm lý” và khẳng định Tehran không để lãnh đạo Mỹ thắng trong cuộc chiến này. Ông Rouhani cho biết Iran sẽ trao đổi với các quan chức châu Âu, Nga và Trung Quốc về những giải pháp duy trì thỏa thuận mà không có Mỹ. Song, Tổng thống Iran cũng cảnh báo nước này sẵn sàng tái khởi động chương trình làm giàu uranium, thậm chí mở rộng phát triển hạt nhân nếu các cuộc đàm phán đi vào ngõ cụt.

Về phần Nga, Bộ Ngoại giao nước này trong tuyên bố cho biết Mát-xcơ-va “hoàn toàn thất vọng” và “cực kỳ quan ngại” trước quyết định của Tổng thống Trump. Tuyên bố cũng lên án Mỹ vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế và quyết định của chính quyền Trump chính là bằng chứng mới nhất cho thấy “sự kém cỏi” của Washington.

Trong khi đó, giới quan sát cho rằng diễn biến hiện nay đang làm sâu sắc thêm sự cô lập của Mỹ trên trường quốc tế khi ông Trump tiếp tục “giáng một cú mạnh” vào các nước đồng minh. Theo đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc François Delattre, đây là “cú rơi” mới nhất trong cuộc rút lui của Washington từ vai trò lãnh đạo toàn cầu.

Mặt khác, quyết định của Tổng thốngTrump bị cho làm dấy lên căng thẳng ngoại giao mới tại Trung Đông. Trong đó, điểm nóng nhất hiện nay là nguy cơ Iran và Saudi Arabia xung đột ở Yemen và Syria. Hai bên cũng bị cho đang tranh giành ảnh hưởng trong các cuộc bầu cử ở Lebanon và Iraq.

 MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết