05/05/2023 - 07:28

Mỹ, Philippines hiện đại hóa liên minh 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong cuộc gặp với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. hôm 3-5 cho biết, Washington và Manila sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động cần thiết để hiện đại hóa và củng cố liên minh giữa 2 nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (phải) Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. trong cuộc gặp hôm 3-5. Ảnh: DOD News

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (phải) Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. trong cuộc gặp hôm 3-5. Ảnh: DOD News

Ông Austin trong cuộc gặp cũng đã gửi thông điệp tới Trung Quốc rằng một cuộc tấn công vũ trang ở Thái Bình Dương hay “bất cứ nơi nào ở Biển Đông nhằm vào lực lượng vũ trang của Philippines hoặc Mỹ, gồm cả lực lượng bảo vệ bờ biển của 2 nước, tàu tuần duyên, tàu công vụ hoặc máy bay” đều sẽ kích hoạt cam kết phòng thủ chung  theo Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 giữa Washington và Manila. “Thưa ngài Tổng thống, chúng tôi sẽ luôn ủng hộ ngài ở Biển Đông hoặc bất cứ nơi nào khác trong khu vực” - ông Austin tuyên bố. 

Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho hay, Bộ trưởng Austin và Tổng thống Marcos Jr. đã thảo luận về sự hỗ trợ của Mỹ đối với nỗ lực hiện đại hóa quốc phòng của Philippines và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực hàng hải. Hai ông Austin và Marcos Jr. cũng luận bàn về thỏa thuận quốc phòng song phương mới, qua đó phản ánh nỗ lực chưa từng có đằng sau việc hiện đại hóa liên minh giữa 2 nước để đưa liên minh này vào một kỷ nguyên hợp tác mới, từ đó cho phép giới chức Mỹ và Philippines vạch ra một hướng đi song phương “để giúp xây dựng năng lực tương tác, chia sẻ thông tin, lập kế hoạch” xung quanh cách giải quyết các mối đe dọa thông thường và phi truyền thống đối với hòa bình và an ninh của Mỹ và Philippines.

Theo thỏa thuận, Mỹ cam kết giúp Philippines hiện đại hóa quân đội và tuyên bố rằng 2 nước sẽ hợp tác theo một lộ trình hỗ trợ trong lĩnh vực an ninh để “xác định các nền tảng quốc phòng ưu tiên và giải pháp nhằm tăng cường tính răn đe và khả năng chống lại áp bức”. Thỏa thuận cho biết Mỹ và Philippines sẽ ưu tiên triển khai các nền tảng mang tính khả thi trong khi mở rộng “các khoản đầu tư xây dựng năng lực phòng thủ phi vật chất thông qua trao đổi giáo dục và huấn luyện, diễn tập cũng như các hoạt động tác chiến khác”. Theo Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, thỏa thuận đòi hỏi “một cách tiếp cận toàn chính phủ để điều phối các hành động trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc tình huống dự phòng hay khẩn cấp”.

Để đạt được mục tiêu trên, cả Mỹ và Philippines cần đưa ra “các quy trình ra quyết định thích ứng và cách liên lạc hiệu quả để hỗ trợ sự phối hợp và hành động song phương một cách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phù hợp với từng tình huống. SCMP cho hay, nỗ lực của Washington và Manila là nhằm mục đích tập trung vào “các mối lo ngại về an ninh khu vực”, đồng thời thúc đẩy sự hiểu biết chung về vai trò, nhiệm vụ để đối mặt với những thách thức an ninh trong khu vực và toàn cầu.

Ngoài ra, Mỹ và Philippines còn đồng ý mở rộng “phạm vi, quy mô và độ phức tạp” của các cuộc tập trận quân sự sau khi tiến hành nhiều cuộc tập trận quy mô lớn trong năm nay. Hai bên cũng nhất trí ưu tiên “các hoạt động phối hợp trên biển”.

Được biết, ông Marcos Jr. đến thăm Lầu Năm Góc một ngày sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng, nơi lãnh đạo 2 nước nhất trí về việc thiết lập “các phương thức hợp tác ba bên” với Nhật Bản, đồng ý cải thiện khả năng tương tác của các lực lượng song phương trên bộ, trên biển, trên không và trên mạng. Theo tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Phòng Bầu dục, hai nhà lãnh đạo “khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Ðài Loan như một yếu tố không thể thiếu của an ninh và thịnh vượng toàn cầu”.

Chia sẻ bài viết