10/12/2022 - 01:19

Mỹ phê chuẩn dự luật hỗ trợ Đài Loan 

MAI QUYÊN (Theo Reuters, SCMP)

Quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang đối mặt với phép thử mới sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng trị giá 858 tỉ USD, trong đó bao gồm khoản ngân sách 10 tỉ USD hỗ trợ quân sự dành cho Ðài Loan giữa thời điểm hòn đảo này chịu sức ép gia tăng từ Bắc Kinh.

Chiến đấu cơ F-5 của Đài Loan trong quá trình luyện tập. Ảnh: Reuters

Dự kiến, Ðạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) cho năm tài chính sắp tới sẽ được Thượng viện thông qua và chuyển tới Nhà Trắng để Tổng thống Joe Biden ký thành luật trong tháng này. Là một phần của NDAA, dự luật Tăng cường khả năng phục hồi Ðài Loan (TERA) cho phép Washington phân bổ khoản hỗ trợ và cho vay lên tới 2 tỉ USD mỗi năm để Ðài Loan mua sắm khí tài và dịch vụ quân sự Mỹ, bắt đầu từ năm 2023 tới năm 2027.

Nếu được thông qua, TERA đánh dấu lần đầu tiên Chính phủ Mỹ trực tiếp cung cấp viện trợ an ninh cho Ðài Loan. Nó cũng thiết lập chương trình hiện đại hóa quốc phòng đầu tiên của Washington dành riêng cho hòn đảo. Cụ thể, dự luật đề xuất mở cơ quan bảo lãnh khoản vay tài chính quân sự nước ngoài mới, bổ sung biện pháp đẩy nhanh các thỏa thuận mua sắm vũ khí của Ðài Bắc, xây dựng chương trình huấn luyện nhằm cải thiện khả năng phòng thủ vùng lãnh thổ này. Bên cạnh đó, dự luật kêu gọi xây dựng chiến lược hỗ trợ Ðài Loan tham gia các tổ chức quốc tế, cũng như đối phó hành vi gây hấn của Trung Quốc.

Phát biểu sau khi NDAA được Hạ viện thông qua, Chủ tịch Ủy ban Ðối ngoại Thượng viện Bob Menendez cho biết văn kiện về Ðài Loan sẽ là một trong những dự luật quan trọng nhất trong nhiều năm khi tái cấu trúc toàn diện chính sách của Mỹ đối với Ðài Bắc. Mục tiêu của nó là thiết lập khả năng răn đe thực sự thông qua việc triển khai chiến lược củng cố hơn nữa năng lực của Ðài Loan, song song các biện pháp tăng cường quan hệ quốc phòng Mỹ - Ðài giúp ngăn chặn hành vi có thể dẫn đến chiến tranh từ Trung Quốc. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng Mỹ cần làm nhiều hơn nữa để giúp Ðài Loan khi Bắc Kinh leo thang “nỗ lực đe dọa” vùng lãnh thổ mà họ tuyên bố là “không thể tách rời”.

Trong một đánh giá, chuyên gia Bonnie Glaser tại Quỹ Marshall của Mỹ đồng ý rằng các điều khoản liên quan Ðài Loan trong NDAA cải thiện an ninh của hòn đảo theo “những cách có ý nghĩa và gây ảnh hưởng”. Bà cũng lưu ý việc các nhà lập pháp Mỹ đã thận trọng loại bỏ những đề xuất mang tính tượng trưng, vốn được dự báo “chọc giận” Trung Quốc mà không giúp được gì nhiều cho Ðài Loan. Chẳng hạn như việc đổi tên văn phòng đại diện ở Ðài Loan và chỉ định hòn đảo là đồng minh lớn không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), tương tự vị thế của Israel, Nhật Bản và Hàn Quốc hiện nay. Ngoài ra, văn kiện mới không đưa vào điều khoản yêu cầu Lầu Năm Góc thiết lập “chương trình đào tạo toàn diện” với quân đội Ðài Loan, cũng như không bao gồm những diễn giải cho phép trừng phạt giới lãnh đạo chính trị hàng đầu cùng nhóm ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc nếu Bắc Kinh leo thang đáng kể hành động quân sự.

Mỹ và Indonesia tiến hành diễn tập hàng hải CARAT 2022 

Lực lượng hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ đã bắt đầu cuộc diễn tập Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển (CARAT) 2022 với hải quân, không quân và thủy quân lục chiến Indonesia tại Surabaya, tỉnh Đông Java của Indonesia.
Trong thông cáo báo chí ngày 8-12, Phó Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, Chuẩn Đô đốc Joaquin J. Martinez de Pinillos cho biết mục đích của cuộc diễn tập CARAT là nâng cao khả năng của lực lượng hải quân hai nước trong việc bảo vệ đất nước và các chuẩn mực quốc tế.
Đại úy Tony Chavez, sĩ quan chỉ huy tàu đổ bộ USS Makin Island, nhấn mạnh: “Diễn tập CARAT lần thứ 28 này cho thấy cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Chúng tôi chia sẻ các ưu tiên an ninh hàng hải với Indonesia và sẽ tiếp tục chia sẻ kiến thức, kỹ năng và thông tin nhằm tăng cường khả năng tương tác và thúc đẩy hợp tác an ninh khu vực”.

 

Chia sẻ bài viết