07/02/2020 - 10:12

Mỹ phát triển công nghệ 5G để đối trọng với Huawei 

Trong nỗ lực bào mòn sự thống trị của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, Nhà Trắng bắt tay với các công ty công nghệ Mỹ phát triển phần mềm cao cấp cho mạng 5G tại nước này.

 Ảnh: CNBC

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow đã chia sẻ kế hoạch trên trong cuộc phỏng vấn mới đây với Nhật báo Phố Wall và nói rằng các công ty Mỹ gồm Dell, Microsoft và AT&T sẽ là những đối tác chính trong dự án, trong khi các hãng châu Âu bao gồm Nokia và Ericsson cũng có thể tham gia. Theo ông, mục đích của Nhà Trắng là sở hữu cơ sở hạ tầng và cấu trúc mạng 5G của Mỹ do các tập đoàn nước này xây dựng.

Kế hoạch trên thật ra là phát triển một tiêu chuẩn phần mềm 5G chung, có thể tương thích với gần như mọi thiết bị phần cứng 5G. Về bản chất, dựa vào phần mềm sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào các thiết bị 5G của Huawei. Nếu phần mềm hoạt động tốt và tương thích, mạng 5G có thể vận hành trên bất kỳ thiết bị 5G nào. Nhà Trắng, Dell và Microsoft đều nhận thấy không phải thiết bị mà phần mềm mới quyết định sự tiến bộ và phát triển 5G. Mặt khác, giới chức Mỹ thừa nhận họ nghiêm túc với sáng kiến do ông Kudlow dẫn đầu bởi giá trị tiềm năng của công nghệ 5G đối với nền kinh tế.

Dự án phát triển công nghệ 5G của Mỹ đang ở giai đoạn sơ khai và cũng gặp không ít trở ngại, bao gồm việc tập hợp các công ty có những ưu tiên khác nhau. Chuyên gia phân tích Roger Entner tại Recon Analytics nhận định thảo luận là bước khởi đầu tốt đẹp, nhưng cần có thêm nguồn quỹ để tăng tốc kế hoạch. Ông Kudlow không đề cập đến khung thời gian cụ thể, song các quan chức tại Washington hy vọng hệ thống sẽ vận hành trong vòng 18 tháng tới. 

Huawei hiện là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, xếp sau là tập đoàn Nokia của Phần Lan và Ericsson đến từ Thụy Điển. Huawei có rất nhiều đối tác trên toàn cầu, bao gồm các nhà mạng nhỏ ở Mỹ, nhờ chất lượng thiết bị và hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, Washington lại coi Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia do mối quan hệ mật thiết giữa “gã khổng lồ” này với Chính phủ Trung Quốc. Mỹ sợ rằng công nghệ 5G của Huawei có thể được sử dụng để gián điệp. Đáp lại, Huawei bác bỏ cáo buộc trên, đồng thời khẳng định họ hoạt động độc lập với Bắc Kinh.

Giới chức Mỹ đã thảo luận kế hoạch phát triển mạng 5G nhằm tìm cách thuyết phục các đồng minh “cấm cửa” thiết bị của Huawei. Cố vấn Kudlow cho rằng sản phẩm Huawei đã hiện diện đáng kể tại những nước như Anh và Đức, nên ông cũng hy vọng dự án phần mềm của Mỹ sẽ giúp Luân Đôn lật ngược quyết định gây tranh cãi gần đây. Phớt lờ sự phản đối của Mỹ, Anh tuần rồi đã cho phép Huawei tham gia phát triển những phần “không nhạy cảm” trong hệ thống mạng 5G ở nước này. Nhà chức trách xứ sở sương mù cũng đặt ra quy định thị phần tối đa mà Huawei được phép sở hữu là 35%. Trong lá thư rò rỉ hôm 4-2, một nhóm 42 chính khách Mỹ đã thúc giục Luân Đôn thay đổi quyết định mà họ cho là dẫn Anh và các đồng minh đến “con đường nguy hiểm”.

Huawei “trấn an” EU

Huawei vừa lên tiếng cam kết sẽ mở các trung tâm sản xuất tại châu Âu, trong nỗ lực chống lại sức ép của Mỹ đối với các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) để ngăn cản tập đoàn này hoạt động.

Tuyên bố được đưa ra vài ngày sau khi Brussels khuyến nghị các nước thành viên có thể cấm các nhà khai thác viễn thông bị coi là có “nguy cơ an ninh” tham gia vào những bộ phận cốt lõi của cơ sở hạ tầng 5G. Những chỉ dẫn này là kết quả của nhiều tháng tranh luận, do dự trong nội bộ khối. EU đã phải đau đầu tìm giải pháp trung dung để cân bằng thế thống trị của Huawei trong lĩnh vực 5G với những lo ngại về an ninh do Washington gây áp lực. Xây dựng các nhà máy tại “lục địa già” sẽ giúp Huawei thuyết phục các nước EU từ bỏ những biện pháp cứng rắn chống lại mình. Được biết, hãng này có hơn 13.000 nhân viên và điều hành hai trung tâm trong khu vực cùng 23 trung tâm nghiên cứu ở 12 quốc gia EU.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết