08/07/2010 - 21:51

Mỹ - Nga trao đổi các điệp viên bị bắt

Igor Sutyagin, chuyên gia về hạt nhân Nga, bị kết án 15 năm tù vì tội làm gián điệp cho Mỹ. Ảnh: AP

Chỉ vài ngày sau khi Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) triệt phá “đường dây điệp báo” của Nga, Washington và Mát-xcơ-va đã bí mật tiến hành đàm phán trao đổi một số hoặc tất cả 10 nghi can này với các tù nhân bị cáo buộc làm gián điệp cho Mỹ đang bị giam ở Nga. Đây là một trong những vụ trao đổi nghi can gián điệp lớn nhất trong nhiều thập niên qua.

Tuy các quan chức Mỹ từ chối xác nhận về một thỏa thuận như vậy, nhưng họ cũng khẳng định có các cuộc đàm phán và nhiều dấu hiệu cho thấy việc trao đổi sẽ nhanh chóng hoàn tất. 5 nghi can điệp báo Nga bị bắt giữ ở Mỹ đã được gấp rút chuyển từ bang Virginia và Massachusetts tới New York, nơi 5 người còn lại đang bị giam. Một quan chức Mỹ cho biết Washington có thể cho phép những nghi can thú tội làm gián điệp và sau đó chuyển họ cho phía Nga để đổi lấy việc phóng thích một số tù nhân đang bị giam giữ ở Nga.

Trong khi đó, Igor Sutyagin, nguyên là nhà nghiên cứu kiểm soát vũ khí Nga bị cáo buộc làm gián điệp cho phương Tây, đã được chuyển khỏi một nhà tù ở Cực Bắc nước Nga tới Mát-xcơ-va. Gia đình Sutyagin cho biết sau khi tới Mát-xcơ-va, Sutyagin được đưa sang Anh để phóng thích vào sáng 8-7. Tuy chưa rõ liệu Nga và Mỹ có đạt được thỏa thuận cuối cùng hay không và những tù nhân nào sẽ nằm trong danh sách trao đổi, nhưng theo gia đình của Sutyagin, danh sách 11 tù nhân mà Sutyagin nhìn thấy được còn có Sergei Skripal, một đại tá tình báo quân đội Nga bị xét xử 13 năm tù vào năm 2006 vì làm gián điệp cho Anh.

Thỏa thuận trao đổi này sẽ giúp cho cả Mát-xcơ-va và Washington gác lại vụ “bê bối gián điệp” trong bối cảnh cả Tổng thống Barack Obama của Mỹ và Dmitry Medvedev của Nga đều đã “đầu tư” mạnh vào việc “khởi động lại” quan hệ giữa hai nước nhiều tháng qua. Với Mỹ, thỏa thuận trao đổi còn giúp Washington tránh được các phiên xét xử tốn kém và ngăn được việc phải phơi bày chiến thuật phản gián suốt quá trình phát hiện cho tới bắt giữ và xét xử các nghi can Nga.

Mặt khác, trao đổi tù nhân còn có thể tránh bối rối cho cả hai bên trong các vụ án này. Theo Jeffrey Smith, cựu cố vấn Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từng tham gia nhiều cuộc trao đổi điệp viên khi còn là luật sư ở Bộ Ngoại giao thập niên 1970-1980, nếu Washington thật sự đang vội vã trao đổi tù nhân thì có thể suy ra rằng tội trạng của các nghi can không ở mức nghiêm trọng. Các nhà điều tra FBI rõ ràng đã không trưng ra được bằng chứng đủ sức thuyết phục. Còn với Nga, ví như trong vụ Sutyagin, nhà nghiên cứu này cũng từng biện minh trong phiên xử mình là không tiếp cận bí mật quốc gia. Sutyagin bị bắt năm 1999 với cáo buộc chuyển bí mật về tàu ngầm nguyên tử cho một công ty Anh, được cho là bình phong của CIA, và bị kết án 15 năm tù vào năm 2004.

N. KIỆT (Theo WSJ, NYT, Washingtonpost)

Chia sẻ bài viết