08/04/2019 - 08:58

Mỹ lo ngại đầu tư của Trung Quốc vào Israel 

Mối lo ngại về an ninh ngày càng gia tăng của Mỹ trong việc Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao của Israel, đặc biệt là những công ty sở hữu các sản phẩm lưỡng dụng (dân sự lẫn quân sự), đang khiến một số công ty khởi nghiệp Do Thái phải xem xét lại có nên chấp nhận sự hỗ trợ tài chính từ quốc gia đông dân nhất thế giới hay không.

Cảng Haifa của Israel hiện do một công ty Trung Quốc tham gia điều hành. Ảnh: SCMP

Từ công nghệ đến kết cấu hạ tầng

Các nhà đầu tư mạo hiểm ở Israel cho biết, một số công ty công nghệ đang phân vân có nên ký thỏa thuận với các nhà đầu tư Trung Quốc hay không, đặc biệt là khi Tel Aviv đang xem xét đề xuất của Hội đồng An ninh Quốc gia Israel về việc thành lập ủy ban giám sát đầu tư nước ngoài, tương tự như Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS). Gadi Glikberg, một nhà đầu tư mạo hiểm ở Tel Aviv chuyên giúp nối kết các công ty Trung Quốc với thị trường công nghệ địa phương, cho hay việc đề xuất một cơ chế giống như CFIUS sẽ khiến đầu tư của Trung Quốc vào các công ty công nghệ Israel dần dần trở thành một mối lo ngại. Còn Yang Guang, nhà đồng sáng lập công ty Glory Ventures tại thành phố Thượng Hải, nơi đã đầu tư vào hàng chục công ty khởi nghiệp Israel nói rằng những công ty Israel nào được Trung Quốc đầu tư thì có thể khó thâm nhập thị trường Mỹ, đặc biệt là các công ty đang tìm cách bán công nghệ quân sự cho Mỹ.

Denes Ban, quản lý của OurCrowd, nhà đầu tư mạo hiểm hàng đầu Israel, cho biết đã nhận thấy nhiều công ty Israel nghi ngờ về tác động lâu dài của việc hợp tác với Trung Quốc. Theo ông Ban, nhiều công ty đã phải suy nghĩ rất kỹ về việc nhận tiền của các nhà đầu tư Trung Quốc bởi nó có thể ảnh hưởng đến tiềm năng của họ tại Mỹ. Song, bất chấp những lo ngại đó, Israel vẫn tiếp tục thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc. Theo số liệu từ Trung tâm nghiên cứu IVC có trụ sở tại Israel, các nhà đầu tư do nhà nước Trung Quốc kiểm soát chiếm 12% trong tất cả các giao dịch trong ngành công nghệ cao của Israel trong 3 quý đầu năm ngoái. Ngoài ra, một công ty nhà nước Trung Quốc cũng tham gia điều hành cảng Haifa, cảng lớn nhất trong 3 cảng nước sâu của Israel. Một công ty xây dựng thì đang triển khai hệ thống đường sắt nhẹ ở Tel Aviv.

Mối nguy tiềm ẩn

Tehila Levi, đối tác công ty luật có trụ sở tại Thượng Hải ZAG-S&W, cho biết trong khi phần lớn việc hợp tác là hình thức đầu tư trực tiếp, ngày càng nhiều công ty Israel ngả sang Trung Quốc để thành lập liên doanh. Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây cảnh báo rằng các nước hoặc cần “mở mắt và thức tỉnh” trước mối nguy mà Trung Quốc tạo ra, hoặc đối mặt với những hậu quả tiềm tàng như bị Mỹ cắt giảm chia sẻ thông tin tình báo. Vừa qua, Daniel Shapir, cựu đại sứ Mỹ tại Israel,  trong một cuộc phỏng vấn cho rằng các công ty Israel sẽ phải đối mặt với “hậu quả thực sự” khi mang công nghệ của họ đến thị trường Mỹ nếu họ được Trung Quốc đầu tư. Efraim Halevy, cựu giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mossad của Israel, cho rằng nước này chưa thật sự nhận ra mối đe dọa an ninh từ đầu tư của Trung Quốc, trong đó đáng lo ngại nhất là lĩnh vực sản xuất hàng hóa lưỡng dụng công nghệ cao. “Đây là lĩnh vực quá nguy hiểm” - ông Valevy nhấn mạnh. Nadav Argaman, giám đốc cơ quan an ninh quốc gia Israel Shin Bet nêu rõ: “Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Israel đặc biệt nguy hiểm trong vấn đề kết cấu hạ tầng chiến lược và đầu tư vào các công ty lớn”.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư Israel vẫn lạc quan về tương lai hợp tác công nghệ với Trung Quốc. Ehud Levy, đồng sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Canaan Partners, cho biết các nhà đầu tư Trung Quốc ngày càng khó đổ tiền vào Mỹ vì những hạn chế của CFIUS, vì vậy họ chuyển sang Israel. Còn theo Tehila Levi, nhiều công ty Israel dù có những công nghệ độc nhất nhưng họ quá nhỏ và thiếu nguồn lực nên cần sự hợp tác từ các doanh nghiệp Trung Quốc.

TRÍ VĂN (Theo SCMP, WSJ)

Chia sẻ bài viết