15/05/2021 - 09:26

Mỹ lo “chậm chân” trong viện trợ vaccine 

Hôm 13-5, các nhà ngoại giao Mỹ đã lên tiếng giục giới lãnh đạo đẩy nhanh việc tài trợ vaccine COVID-19 ở nước ngoài nếu không muốn tạo cơ hội cho Nga, Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng địa chính trị giữa đại dịch.

Một lô vaccine Sinopharm do Trung Quốc tài trợ được vận chuyển đến Syria hồi tháng 4. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đứng trước áp lực toàn cầu về việc phân phối số vaccine COVID-19 khổng lồ mà Mỹ đang dư cho nước khác. Hôm 12-5, Tổng thống Biden cho biết gần một nửa lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đã liên hệ với ông nhằm tìm kiếm hỗ trợ về vaccine. Hiện Nhà Trắng vẫn chú trọng cân nhắc tình hình trong nước bên cạnh xem xét biện pháp cung cấp vaccine, thuốc và vật tư y tế điều trị COVID-19 cho nước ngoài. Bởi dù muốn khôi phục vai trò lãnh đạo của Washington trong ứng phó đại dịch, ông Biden cho biết chính phủ cần bảo vệ người dân Mỹ trước khi hỗ trợ phần còn lại của thế giới.

Trái với sự do dự này, hàng trăm triệu liều vaccine Sputnik V của Nga cùng vaccine Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc đang được vận chuyển tới các nước đang phát triển. Tại Mỹ Latinh, khu vực ảnh hưởng truyền thống của Mỹ, những nước như Argentina hay Chile đã đặt mua số lượng lớn vaccine nói trên để sử dụng trong chương trình tiêm chủng. Ðồng minh lâu năm nhất của Washington ở Ðông Nam Á là Indonesia cũng tìm tới Bắc Kinh khi đơn đặt hàng vaccine AstraZeneca bị trì hoãn thêm một năm. Vốn là đối tác khu vực quan trọng của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ lại là khách hàng lớn thứ hai mua vaccine Sinovac.

Theo một số quan chức Mỹ, chiến lược “ngoại giao vaccine” đang giúp Trung Quốc và Nga nhận được nhượng bộ chính trị từ những nước tìm kiếm viện trợ. Chẳng hạn có tin Bắc Kinh đang gây sức ép buộc giới chức của gần 50 quốc gia nhận vaccine của họ phải thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Ðài Loan. Về phần Nga, nước này bị cho sử dụng Sputnik V để tăng cường ảnh hưởng ở Nam Mỹ.

Hành động chưa đủ

Từ tháng 2, chính quyền Tổng thống Biden cam kết tài trợ khoảng 4 tỉ USD cho Liên minh toàn cầu về vaccine nhằm tăng tốc phát triển, phân phối vaccine cho những quốc gia thu nhập thấp. Ðã có nhiều nước bắt đầu nhận vaccine của Mỹ thông qua sáng kiến hợp tác vaccine toàn cầu COVAX. Hồi tháng 4, Tổng thống Biden hứa đến tháng 7 sẽ phân phối 60 triệu liều AstraZeneca và trong các nước được nhận dự kiến có Ấn Ðộ. Trước đó, Nhà Trắng xác nhận Washington đã cho Mexico và Canada “vay” 4 triệu liều vaccine AstraZeneca.

Dù vậy, một số quan chức khu vực nói rằng Washington nên làm nhiều hơn nữa để chia sẻ vaccine AstraZeneca trong kho dự trữ mà họ không cần. Một bộ phận các chuyên gia đối ngoại Mỹ cũng nóng lòng đề nghị Bộ Ngoại giao nhanh hành động để đưa vaccine, thuốc men, thiết bị bảo hộ tới những nước đang khó khăn khi biến thể mới của SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao hơn trên toàn cầu. Trong tình hình này, các chuyên gia nhận định chính quyền Biden quyết định thế nào thì điều đó cũng xác định khả năng Washington có thực hiện cam kết khôi phục vị thế dẫn đầu trên toàn cầu.

Thách thức với ông Biden

Hiện Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh Quốc gia và Cơ quan Phát triển Quốc tế vẫn tranh cãi xem tỷ lệ lây nhiễm trong nước đã đủ thấp để Washington chia sẻ vaccine với quốc gia khác hay không. Trước khi quyết định, các bên còn cân nhắc thêm một loạt yếu tố như Mỹ đã cam kết gì và chính quyền tiến hành phân bổ ra sao; tỷ lệ mắc COVID-19 và tỷ lệ tử vong ở các nước, quốc gia nào có bao nhiêu vaccine, họ muốn viện trợ thêm những gì bên cạnh năng lực kiểm soát đại dịch. Những tính toàn này không đơn giản là nhu cầu của nước ngoài mà còn từ nội bộ Mỹ. Trong phiên điều trần hôm 12-5, điều phối viên về đối phó dịch COVID-19 tại Bộ Ngoại giao Gayle Smith tuyên bố Washington không phân bổ các nguồn lực chống dịch như “công cụ để giành ảnh hưởng”.

Trở ngại còn lại là Mỹ không thể chuyển nhiều vaccine AstraZeneca ra nước ngoài cho đến khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm kiểm chứng an toàn và cho phép xuất khẩu. Theo Politico, giới chức Mỹ cũng đã tính tới những cách khác để đẩy nhanh tiến độ gởi vaccine cho nước ngoài. Nhưng câu hỏi hiện giờ là chuyển từ kho dự trữ có sẵn hay phân phối từ các cơ sở khác. Có đề nghị Washington chọn một công ty dược để sản xuất vaccine cho những nước có nhu cầu và Mỹ sẽ trợ giá. Nhưng quá trình này có thể mất tới vài tháng để hoàn thành.

Theo ghi nhận của Hãng tin AP, nhiều quốc gia phát triển kiểm soát tốt công tác chống COVID-19 hồi năm ngoái lại khá chậm trong triển khai tiêm vaccine hiện nay. Trong số này, các nước như Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc thậm chí xếp dưới nhiều quốc gia đang phát triển như Brazil và Ấn Độ về tỷ lệ người dân được tiêm ít nhất một liều vaccine.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết